Cử tri Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đánh giá, mặc dù tình hình thế giới và trong nước rất khó khăn, nhưng trong năm 2022 Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Một số chỉ tiêu đạt được cao như GDP năm 2022 tăng 8,02%; GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD ; CPI bình quân tăng 3,15%; thu ngân sách Nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng… Có thể nhận thấy, dưới sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô năm 2022 của nước ta tiếp tục ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là tiền đề, tạo cơ sở quan trọng cho việc mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo cử tri Bùi Xuân Hải, tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2023 có nhiều diễn biến đáng lo ngại, đặc biệt là tình hình giảm sút về tỷ lệ tăng trưởng và xuất nhập khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam... Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc hoặc bán tài sản để tồn tại; thị trường bất động sản đóng băng gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế. Nhiều cán bộ, công chức Nhà nước “ngại” trách nhiệm, không dám làm, “ngại” bị kiểm tra, thanh tra nên không dám quyết định các vấn đề mà pháp luật và chính sách chưa quy định rõ ràng... Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Xuân Hải mong muốn Quốc hội thông qua Dự thảo Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh ngay tại Kỳ họp thứ 5 này để tạo điều kiện cho Thành phố phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới. Tán thành với hầu hết các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết, ông Hải cho rằng đây là những quy định xứng đáng, nên có.
Cử tri Huỳnh Thị Hồng Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kết Đoàn (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ phấn khởi trước kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 có nhiều tiến bộ so với trước. Nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý đã được tiến hành. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đang được xử lý. Công tác “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” của Nhà nước trong thời gian tới sẽ đáp ứng sự mong đợi của nhân dân; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; góp phần quan trọng trong việc củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Huỳnh Thị Hồng Hà, còn nhiều dự án chậm tiến độ hoặc đầu tư thiếu tính toán dẫn đến lãng phí lớn tài sản quốc gia; nhiều dự án kém hiệu quả vẫn được chấp nhận và triển khai. Nguyên nhân của việc lãng phí ngân sách và tài sản quốc gia là do năng lực nhận thức và triển khai của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu sót hoặc để xảy ra tiêu cực tham nhũng; bên cạnh đó là những bất cập hạn chế về cơ chế, chính sách. Việc giải ngân vốn đầu tư công chưa hiệu quả dẫn đến việc Bộ Tài chính phải gửi tiền ngân quỹ khoảng 1 triệu tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm, đây là một sự lãng phí rất lớn.
Bà Huỳnh Thị Hồng Hà nêu ý kiến, TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hoá và cũng là đô thị đông dân nhất cả nước, do đó cần có những chính sách, cơ chế phát triển đặc thù riêng. Bà Hà mong muốn có thêm cơ chế, chính sách cho phép TP Hồ Chí Minh được phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Hiện tại, Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được xem là một khung khổ pháp luật để TP Hồ Chí Minh “đi trước, hành động trước”, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho Thành phố.
Cử tri Phan Thành Quang (cán bộ hưu trí tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức) đồng tình và ủng hộ ý kiến phát biểu của đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) về hỗ trợ phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh.
Theo ông Phan Thành Quang, các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay chưa được hoàn thiện mà mới dừng lại ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung nhiều vào tăng trưởng xanh. Vì vậy, việc rà soát lại cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền kinh tế xanh là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết.
Trước thực trạng đó, ông Phan Thành Quang cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện khung cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng phối hợp liên vùng, liên ngành và tích hợp các mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề.
Cử tri Ngô Hồng Vân (cán bộ hưu trí tại Phường 7, quận Phú Nhuận) bày tỏ đặc biệt quan tâm đến phần thảo luận liên quan đến nội dung về chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Về bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, bà Ngô Hồng Vân cho rằng, bà mắc nhiều chứng bệnh do tuổi già, phải sử dụng nhiều loại thuốc nên việc tham gia bảo hiểm y tế là vô cùng cần thiết. Nhờ tham gia bảo hiểm y tế, được chi trả chi phí khám chữa bệnh nên gia đình bà không phải lo lắng nhiều về chi phí. Bà Ngô Hồng Vân mong muốn, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi, trên tinh thần phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua bảo hiểm cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.