Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) xung quanh vấn đề này để hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Việc cải cách hành chính của Chính phủ và các Bộ, ngành được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao cao thông qua các chỉ số quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng công việc này chưa thực chất và đâu đó có Bộ, ngành đưa ra con số về cải cách thủ tục kinh doanh để lấy thành tích. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Trước hết phải nói rằng việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời gian vừa qua đã đem lại nhiều kết quả thực sự, chứ không phải chỉ dựa vào hình thức. Chính nhờ kết quả này đã đem lại sự khởi sắc và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh với các nước trên thế giới. Qua đó, hoạt động của khu vực tư nhân, doanh nghiệp cũng được nới rộng ra rất nhiều.
Có lẽ, chúng ta cũng phải thừa nhận những động lực cho phát triển trong những năm qua đều đến từ cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp. Tôi cho rằng đó là động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không phải tất cả tinh thần của cải cách thủ tục hành chính đều được thực hiện như chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế cho thấy, đâu đó trong xã hội vẫn còn tình trạng dùng hình thức này hay hình thức khác để gộp các điều kiện lại. Các đơn vị này dù đã cắt giảm số lượng đầu mục, nhưng nội dung công việc không thay đổi khiến phát sinh không ít thủ tục khác chứa đựng bên trong.
Ngành Công Thương đưa ra con số cắt giảm thêm 675 điều kiện kinh doanh, đại biểu nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Việc đưa ra con số cắt giảm bao nhiêu phần trăm cũng là con số quan trọng, nhưng theo tôi bản chất của vấn đề không chỉ dừng lại chuyện đếm xem cắt giảm bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu đầu việc mà quan trọng là hiệu quả của việc cắt giảm đã mang lại những gì cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần xem xét lại việc cắt giảm thủ tục hành chính đã thực sự đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp hay chưa và Bộ, ngành đã nắm được hết những yếu tố của doanh nghiệp chưa mới là điều cốt lõi và cần tính đến. Vì vậy, theo tôi trọng tâm của việc cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới không nên dừng lại ở việc ép cơ quan quản lý Nhà nước đơn thuần tập trung vào cắt giảm qua đếm đầu việc.
Bởi, việc này sẽ dẫn đến câu chuyện rất khó kiểm soát bởi nhiều khi các đơn vị cắt tới 5 - 7 đầu việc và chỉ giữ lại một việc, nhưng chính việc đó lại là yếu tố phức tạp khiến việc cắt giảm không có ý nghĩa gì.
Xuất phát từ thực tế này thì chính sách pháp luật phải có một độ trễ nhất định để có thời gian đánh giá hiệu quả công việc cải cách hành chính. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thực tế là đều có độ trễ, nhưng với đầu tư thì độ trễ sẽ dài hơn và các chính sách thường có phản ứng rất nhanh, thậm chí là phản ánh trong đời sống kinh tế - xã hội còn đi rất sát với chính sách. Hầu hết những người kinh doanh, đối tượng điều tiết về chính sách bao giờ cũng "đón lõng" trước và khi chính sách đó có hiệu lực thường sẽ bắt tay ngay vào hành động. Vì thế, độ trễ của chính sách không phải vấn đề lớn mà cơ bản kết quả của việc cắt giảm chính sách đó đến đâu.
Rõ ràng sự thay đổi về chính sách pháp luật bao giờ cũng được đánh giá hai mặt xem những gì tác động tích cực và những gì hạn chế để cân nhắc đưa ra quyết định, chứ không phải thích là cắt giảm ngay. Đây cũng là lý do tại sao nhiều chính sách được xã hội, người dân lên tiếng, nhưng Chính phủ vẫn chưa thể cắt giảm ngay được vì còn xét tới những tác động trái chiều.
Trân trọng cảm ơn ông.