Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh): Cần giám sát từ đầu chủ trương thu hồi đất
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua 10 năm thực hiện, Luật Đất đai đã có những bước tiến nhất định, góp phần giảm tranh chấp, đồng thời đưa việc sử dụng đất đai trở nên ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đất đai luôn là vấn đề “nóng”, được nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân quan tâm.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có 3 nội dung lớn được các đại biểu quan tâm. Đó là công tác thu hồi, hỗ trợ, tái định cư và bồi thường. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, phải có những quy định chi tiết với các trường hợp thu hồi đất, bởi cho dù có bồi thường ở mức cao thì cũng sẽ không thể thay thế được sự an cư của người dân.
“Chính vì vậy, cần hạn chế tối đa những trường hợp thu hồi đất. Khi thu hồi đất thì phải có kế hoạch truyền thông tốt, có sự tham gia của các tổ chức dân cử giám sát ngay từ đầu’, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có dành 14 điều trong chương 15 về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, nêu rất chi tiết, kể cả việc giám sát của công dân hoặc thông qua các tổ chức đại diện cho công dân, Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội… tăng cường công tác giám sát.
“Tôi cho rằng, cần chú ý hơn công tác giám sát từ khi có chủ trương thu hồi đất. Vì khi đã triển khai rồi mới đi giải quyết hậu quả thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Do đó, phải giám sát ngay từ đầu chủ trương dự định triển khai dự án, bằng cách đưa ra bàn thảo lấy ý kiến của người dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, người dân cũng đặc biệt quan tâm đến việc tính giá đất như thế nào để đảm bảo hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đối với phương pháp tính giá đất, theo đại biểu, cũng nên có thống nhất chung về chọn phương pháp hợp lý nhất để người dân và các tổ chức khác có thể dựa vào đó tính được giá đất. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nếu đưa ra quá nhiều phương án sẽ dẫn đến xung đột về giá đất.
Cùng với đó, điều dư luận rất quan tâm đến Luật Đất đai là sử dụng đất công. Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay, phải làm sao sử dụng một cách hiệu quả được đất công. Nếu để đất công lãng phí thì rất dễ dẫn đến những bức xúc. Trong khi, xã hội đang rất cần nguồn lực về tài chính để đầu tư vào các dự án hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội như giao thông, bệnh viện, trường học, chống ngập…nhưng lại đang có nhiều dự án đất công không được sử dụng hiệu quả, kể cả tài sản công.
Cuối cùng là vấn đề thuế liên quan đến đất đai, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng phải lưu ý giải quyết các dự án treo. Nếu để treo “dài hạn” thì việc sử dụng đất sẽ rất lãng phí, quan trọng hơn là ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, phải sử dụng đến công cụ thuế và thu hồi đất đối với dự án công, những dự án đầu tư nếu để quá bao nhiêu năm mà không triển khai thì phải thu hồi. Còn nếu đất thuộc quyền sở hữu của người dân mà để lãng phí thì sử dụng công cụ thuế đất đối với sử dụng đất lãng phí.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng): Nếu đưa ra quá nhiều phương án sẽ dẫn đến xung đột về giá đất
Theo Đại biểu Trần Chí Cường, khoản 2 Điều 120 về vấn đề thuê đất đã cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18, quy định cụ thể các nhóm lĩnh vực, ngành và đất sử dụng cho những lĩnh vực được trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cần phải xem xét yếu tố đặc thù phát triển của từng địa phương. Thực tế có những dự án được xác định là động lực trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương và nhà đầu tư yêu cầu được trả tiền một lần để có thể cân đối, chủ động phương án tài chính đầu tư cho thực hiện dự án, nhưng sẽ không được áp dụng hình thức thanh toán trả tiền một lần.
Do đó, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cần xem xét, bổ sung tại khoản 2 Điều 120 thêm trường hợp là đối với những dự án mang tính chất động lực, trọng điểm, nằm trong chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Như vậy vừa đảm bảo mục tiêu phát triển của địa phương, vừa đảm bảo mong muốn ổn định đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và của người sử dụng đất.
Về nguyên tắc, phương pháp tính giá đất đã quy định tại Điều 158 và bảng giá đất tại Điều 159. Đại biểu đoàn Đà Nẵng cho rằng khoản 4 Điều 158 đã bỏ bớt phương pháp thặng dư so với luật hiện hành. Dự thảo luật quy định 4 phương pháp định giá đất bao gồm phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thực tế triển khai cùng một thửa đất khi áp dụng 4 phương pháp sẽ cho 4 kết quả khác nhau và có sự chênh lệch rất lớn, chưa kể là trong cùng một phương pháp, như phương pháp thu nhập, nếu thay đổi cách giả biến đầu vào thì giá đất cũng có sự thay đổi khác nhau. Trong khi đó, tại khoản 5 Điều 158 quy định cơ quan, tổ chức xác định giá đất được quyết định xác định giá đất bằng một hoặc nhiều phương pháp định giá đất theo quy định tại khoản 4.
“Thông thường, để an toàn, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện nhiều phương pháp và chọn kết quả có phương pháp cho ra giá cao nhất. Điều này vô hình trung đẩy khó khăn về cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi nhất cho ngân sách nhà nước cần được xem xét, phân tích kỹ và quy định rõ như thế nào là có lợi nhất cho ngân sách nhà nước. Có phải việc áp dụng phương pháp cho ra mức giá cao nhất là có lợi nhất hay có lợi nhất chỉ đơn thuần là vấn đề giá đất cao nhất?”, đại biểu Trần Chí Cường nêu.
Đại biểu nêu thực tế có những trường hợp có thể xác định giá cho thuê đất là thấp nhưng cái lợi mang về sẽ cao hơn từ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng thu ngân sách hàng năm từ thuế, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hay chỉ các chi phí cơ hội khác khi thu hút nhà đầu tư sớm đầu tư vào vị trí đất đó.
"Có thể thấy quy định 4 phương pháp như thế sẽ tạo ra khó khăn, phức tạp trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó, theo tôi cần nghiên cứu xem xét, đánh giá lại trong 4 phương pháp đó phương pháp nào có ưu thế nhất, thuận lợi nhất để quyết định lựa chọn từ 1 đến 2 phương pháp cụ thể để các ngành, các địa phương đều áp dụng đảm bảo tính thống nhất, khả thi, tránh những vướng mắc pháp lý sau này”, đại biểu Trần Chí Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Chí Cường cho biết thêm: Khoản 1 Điều 159 quy định việc điều chỉnh bảng giá đất hàng năm. Tuy nhiên, nội dung này lại không quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất, dẫn đến sẽ gặp khó khăn và phức tạp trong tổ chức thực hiện. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tránh tùy nghi trong áp dụng luật, đề nghị cần xem xét, bổ sung nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí cụ thể để làm căn cứ thực hiện điều chỉnh bảng giá đất hằng năm.