Tại hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu xung quanh các vấn đề về tránh chồng chéo trong quy hoạch; đảm bảo tính khách quan, minh bạch; kinh phí, nguồn lực hỗ trợ quy hoạch.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Hà Nội: Tránh chồng chéo và phải tạo được những khu đô thị phát triển bền vững
Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.
Việc xây dựng Luật này cũng là môt cơ hội để nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn, từ đó có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc. Đây vừa là tiền đề vừa là căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên.
Các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch. Theo dự thảo Luật này, trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỷ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh.
Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng nên có thể quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên. Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo… Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó, dự thảo Luật cần phải rà soát và làm rõ vấn đề này.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phải tạo ra được những khu đô thị phát triển bền vững. Một phương án quy hoạch chỉ phát triển bền vững khi việc triển khai thực hiện tạo ra được giá trị gia tăng trong tương lai.
Bởi trên thực tế, nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư thực hiện các phương án quy hoạch với kỳ vọng hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong tương lai. Các giá trị gia tăng cũng là cơ sở tạo sức hút, kéo người dân đến sinh sống, tạo thêm việc làm, tạo ra dịch vụ tại chỗ. Những điều này là cơ sở tạo nên một khu vực ngày càng phát triển và phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, có rất nhiều khu đô thị được quy hoạch tràn lan nhà thấp tầng, diện tích hàng trăm ha, nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ quy mô thị trường để phát triển các dịch vụ. Khi không có dịch vụ thì người dân không đến sống. Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư dài hạn vào đấy. Như vậy, quy hoạch này chỉ giải quyết được mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị thu tiền và sau đấy thì không phát triển được.
Do đó, tôi đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh chi phí trước mắt, lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí, lợi ích trong việc sử dụng đất. Cùng đó, cần phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị định hướng theo mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD).
Cụ thể, có kế hoạch thu hút nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị được đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách hạ tầng buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư. Trường hợp này, Nhà nước vừa khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vừa mất tiền đầu tư mà người được lợi lại là chủ đầu tư dự án.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn Quảng Bình: Tháo gỡ bất cập khi “giao thoa” giữa các quy định
Thời gian qua việc tổ chức lập và quản lý quy hoạch được thực hiện theo Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và có một số bất cập liên quan đến các nội dung trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tại các đô thị loại 3,4,5 hoặc đô thị mới dự kiến thành lập đô thị mới loại 3,4,5, Quy hoạch chung được triển khai theo tỷ lệ 1/10.000 và chủ yếu quy định chức năng, tính chất sử dụng đất mà không quy định các chỉ tiêu kỹ thuật (mật độ xây dựng, tầng cao…) tại một số khu vực này đang lập hoặc đã phê duyệt các quy hoạch phân khu tthuộc đối tượng được lập theo quy định. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đối tượng lập quy hoạch phân khu chỉ thực hiện đối với đô thị loại 2 trở lên hoặc đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại 2 trở lên.
Chính vì thế, đối với các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã phê duyệt hoặc đang triển khai lập phải có quy định chuyển tiếp để thuận lợi trong quá trình quản lý quy hoạch trong giai đoạn giao thời áp dụng theo Quy định mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cụ thể là đối với các khu vực đô thị đã có Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 được phê duyệt, nếu tại các khu vực này đủ điều kiện rà soát lập điều chỉnh quy hoạch chung thì lập theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, và triển khai lập các quy hoạch cấp dưới theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Còn nếu không lập điều chỉnh quy hoạch chung thì vẫn cho phép triển khai lập quy hoạch phân khu (không ràng buộc theo đối tượng từ đô thị loại II trở lên như dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn), trình tự và nội dung lập thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cùng đó, tại mục 2, Điều 2 của dự thảo quy định: “Đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai hoặc mở rộng để thành lập thành phố, thị xã, thị trấn mới theo định hướng tại quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn hoặc quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương; đô thị mới được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ theo các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật”.
Trên thực tế, các đô thị đã được thành lập và đã được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ theo tiêu chí đô thị nay có nhu cầu mở rộng một phần ranh giới (nhưng không thành lập mới) thì không thể xem là đô thị mới như khái niệm nêu trên của dự thảo mà đây chỉ là đô thị hiện hữu mở rộng. Việc tổ chức lập quy hoạch trên toàn bộ ranh giới đô thị hiện hữu và phần mở rộng phải có quy định thêm trong dự thảo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thêm một bất cập cần tính đến là tại khoản 5, Điều 5 của dự thảo quy định: “Trường hợp xã thuộc thành phố, thị xã có trên 50% diện tích tự nhiên đã được định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung thành phố, thị xã và được dự kiến trong quy hoạch tỉnh để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới thì được lập quy hoạch chung đô thị mới với phạm vi toàn xã hoặc theo phạm vi, quy mô diện tích phù hợp với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị mới và không lập quy hoạch chung xã”.
Để hạn chế quy hoạch chồng quy hoạch khó quản lý, đề nghị đối với trường hợp xã thuộc thành phố, thị xã có trên 50% diện tích tự nhiên đã được định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung thành phố, thị xã và được dự kiến trong quy hoạch tỉnh để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới thì không phải lập quy hoạch chung xã; quy mô dân số, diện tích toàn xã được tính toán để đưa vào phạm vi lập mới hoặc điều chỉnh mở rộng trong quy hoạch chung thành phố, thị xã.
Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn Yên Bái: Đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt
Tại khoản 2 Điều 10 quy định về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm có 3 nguồn là: nguồn kinh phí chi đầu tư công từ ngân sách nhà nước, kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và kinh phí do tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trong khi đó, tại điểm d khoản 4 của Điều này lại quy định, kinh phí của tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực giao đầu tư. Như vậy, nguồn kinh phí này không nằm trong ba nguồn kinh phí đã được quy định tại khoản 2. Do đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại khoản 2 về kinh phí của nhà đầu tư để tổ chức lập quy hoạch trong phạm vi đã được giao làm chủ đầu tư dự án.
Cùng đó, đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Điều 37 cần nghiên cứu điều chỉnh. Bởi nếu đã lấy ý kiến ở mức thẩm định nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch thì sẽ không lấy ý kiến ở mức tổ chức lập quy hoạch để nhằm giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Đồng thời, lược bỏ quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn.
Về Hội đồng thẩm định, cần nghiên cứu quy định lại theo hướng người đứng đầu cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện được ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng thẩm định cung cấp để đảm bảo tính khách quan, công tâm, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn Khánh Hoà: Nhiều điểm mới đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án đầu tư xây dựng
Tôi nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Dự thảo Luật đã thiết kế logic, rõ ràng 9 nhóm nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan.
Qua đó, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Trong đó có một số nội dung mới nổi trội như quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch; phân định, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Đây là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Những nội dung mới của dự thảo Luật sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy cho quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý tại khu vực đô thị và nông thôn. Đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có thời hạn 20 - 25 năm là phù hợp với lộ trình triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng tại đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch là 10 năm. Vì vậy, dự thảo Luật cần có các quy định yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch của tỉnh.
Đồng thời, cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa giữa khu chức năng và đô thị, giữa khu chức năng và nông thôn, giữa đô thị và nông thôn.