Cử tri Đỗ Cảnh Chân, đảng viên Chi bộ thôn Cộng Hòa II, xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi nhận xét, qua theo dõi phiên làm việc, tôi đánh giá cao cách điều hành của chủ tọa. Ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu khá rõ ràng, đi sâu vào nội dung chính, đáp ứng sự mong đợi của tất cả cử tri, góp phần giúp cử tri hiểu rõ hơn về Luật Quy hoạch. Cử tri hi vọng, qua Kỳ họp này, các cấp ngành Trung ương lẫn địa phương sẽ có những giải pháp hữu ích để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho hay, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành thì nội dung và chất lượng công tác quy hoạch sẽ được cải thiện đáng kể so với trước đây. Việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch giúp khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư, mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng và cả nước.
Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước kia, có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội huyện, quy hoạch ngành, quy hoạch kỹ thuật, phân khu, quy hoạch sản phẩm... Các quy hoạch này đôi khi có sự chồng lấn và thiếu nhất quán nên khó quản lý hiệu quả các sản phẩm quy hoạch dẫn đến lãng phí và thiếu khoa học. Vì thế, sẽ rất tốn kém chi phí và công tác quản lý sẽ không rõ ràng. Luật Quy hoạch ra đời sẽ giải quyết được vấn đề đó.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi Trần Thị Mỹ Ái cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các nội dung của Quy hoạch tỉnh khá rộng, tích hợp nhiều loại Quy hoạch, nhất là việc tích hợp Quy hoạch sử dụng đất. Cùng với đó, phải lấy ý kiến của các Bộ quản lý chuyên ngành trước khi tích hợp phương án phát triển của các ngành trong Quy hoạch tỉnh... Điều ấy sẽ làm kéo dài thời gian lập quy hoạch tỉnh.
Ngoài ra, tiến độ lập các quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch vùng đã ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch tỉnh do chưa có căn cứ chính thức về các định hướng lớn của Quốc gia hoặc vùng để cụ thể hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các Bộ, ngành chưa kịp ban hành văn bản đề xuất quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn Quốc gia, vùng, các hoạt động của ngành trên địa bàn tỉnh.
Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các địa phương mới chỉ đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2025; chưa xác định được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2030. Do đó, lập quy hoạch sử dụng đất thực hiện cho kỳ 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030, các địa phương gặp khó khăn khi định hướng phát triển kinh tế để đảm bảo phù hợp với kỳ quy hoạch sử dụng đất...
Ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch còn chậm.
Một điểm đáng lưu ý nữa là, đây là lần đầu tiên triển khai lập Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, và cũng là lần đầu tiên chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Vì vậy, trong quá trình triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh có lúng túng về công tác thẩm định dự toán chi phí lập quy hoạch theo quy định tại Khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công năm 2019…
Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch và các quy định liên quan công tác lập Quy hoạch, tỉnh đã có báo cáo, kiến nghị các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến đô lập, trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể Quốc gia, các Quy hoạch ngành Quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung để làm cơ sở cho địa phương lập Quy hoạch tỉnh, đảm bảo thống nhất Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch Quốc gia, Quy hoạch vùng cũng như mức độ chi tiết của các đề xuất liên quan đến phương án phát triển hạ tầng; có hướng dẫn về phạm vi nghiên cứu và cách thức xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác lập các nội dung đề xuất cấp huyện trong Quy hoạch tỉnh.
Xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết thi hành đối với một số nội dung sau: Điều chỉnh, bổ sung quy định rõ (tại khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng) về nội dung trình HĐND cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; điều chỉnh thời gian lập và phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới và thời gian hoàn thành cắm mốc giới ngoài thực địa cho phù hợp; điều chỉnh, bổ sung quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong đó, cần quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng được lấy ý kiến trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, tỷ lệ ý kiến đồng thuận bắt buộc để nhiệm vụ và đồ án quy hoạch được thông qua và quy định xử lý trong trường hợp không đạt tỷ lệ đồng thuận của cộng đồng dân cư…