Theo Nghị quyết, nhiều đối tượng là doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 sẽ được miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng... Ngày 22/10, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời, khẳng định Quốc hội, Chính phủ luôn chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, khó khăn của người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu do tác động của dịch COVID-19. Một số đại biểu lưu ý, trong quá trình triển khai chính sách này cần đảm bảo đúng đối tượng và tránh trục lợi.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) chỉ rõ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đã có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời hỗ trợ quá trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế.
Quốc hội ngày càng thể hiện rõ sự chủ động trong việc đưa ra các ý tưởng, sáng kiến về chính sách, pháp luật để cùng cả nước “vượt khó”, thích ứng với tình hình mới. Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Nghị quyết về giãn, giảm, miễn thuế, phí cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19; Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ chủ động trong phòng, chống dịch;
Nghị quyết về trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19… Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 406 nhằm tiếp tục giãn, giảm một số loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 là quyết sách kịp thời. Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập cá nhân…
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân này sẽ có hai tác động. Một mặt giúp giảm giá thành của hàng hóa, dịch vụ được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, giúp tăng cường tiêu dùng, kích cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc khác, giúp giảm chi phí của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp đều trong tình trạng khó khăn về thanh khoản. Trong bối cảnh đó, việc tiếp sức cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí là cần thiết, giúp doanh nghiệp trụ vững và phục hồi cùng với quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế.
Đại biểu phân tích, Nghị quyết 406 tác động trực tiếp vào các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19… Khu vực này là "xương sống" của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khá cao trong nền kinh tế và cũng là khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của dịch. Vì vậy, chính sách miễn, giảm thuế cho đối tượng này vừa có ý nghĩa về kinh tế, vừa rất nhân văn.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm là tổ chức, thực hiện chính sách để bảo đảm các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước đến được với doanh nghiệp và người dân nhanh nhất. Chính sách mang tính chất “tiền tươi, thóc thật” càng phải đến ngay được với hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì “sớm một ngày, doanh nghiệp có thể sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể ra đi”. "Các chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp, người dân trong lúc này cũng phải được làm thần tốc như các biện pháp chống dịch. Cứu được khu vực kinh tế có tính chất “gốc rễ”, khu vực kinh tế của nhân dân, của những người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương, chúng ta sẽ bảo đảm được tăng trưởng kinh tế, bảo đảm được an sinh, ổn định chính trị - xã hội của đất nước", đại biểu chỉ rõ.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, nếu không điều chỉnh miễn, giảm thuế thì doanh nghiệp khó tháo gỡ khó khăn đang chồng chất. Được giảm thuế, các doanh nghiệp có lợi nhuận, đó là nguồn lực cho doanh nghiệp tái đầu tư, tăng thêm nguồn lực để phục hồi trong tương lai. Do đó, Nghị quyết số 406 là chủ trương đúng, trúng và kịp thời. Đại biểu cho rằng, khi triển khai chính sách này, Chính phủ cần rà soát, đánh giá các doanh nghiệp đó có thực sự đúng đối tượng được hưởng ưu đãi hay không.
"Cần nhìn đúng những ngành nào được giảm thuế tránh tình trạng các doanh nghiệp đang có điều kiện phục hồi tốt, có khả năng phát triển trong đại dịch, hoặc có thể không phải đang sản xuất kinh doanh, không tạo ra sản phẩm, nhưng tạo các thủ thuật, hành chính giấy tờ để được giãn miễn thuế, thậm chí hoàn thuế; cần rà soát, đánh giá để tránh tình trạng trục lợi", đại biểu phân tích.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng, đối tượng triển khai Nghị quyết rộng như: nhóm dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…. Do đó, bên cạnh xác định được các đối tượng được hưởng lợi của Nghị quyết thì Chính phủ cần có hướng dẫn triển khai để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận.