Bên lề Quốc hội: Sửa đổi luật để ngành y phát triển, phòng ngừa tiêu cực

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, gần 3 năm qua cả nước đã rất cố gắng, ai cũng thấy được ngành y tế vất vả, gồng mình trong dịch, nhưng hiện phát sinh nhiều sai sót. Điều này cho thấy những bất cập trong quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần thay đổi.

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết: "Thời gian qua, tôi được tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và thấy tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc xảy ra không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà ở gần như tất cả các tình thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình... Tình trạng này rộ lên trong giai đoạn chống dịch nặng nề nhất và đến nay vẫn tiếp diễn là vấn đề cần quan tâm".

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, do công việc quá áp lực, đặc biệt áp lực giai đoạn phòng chống dịch tăng vọt, cùng với đó, chính sách chế độ với các cán bộ y tế càng ngày càng bộc lộ bất cập không thỏa đáng... 

“Trong gần 3 năm chống dịch vừa qua, để có kết quả tích cực như hiện nay là nhờ vào sự vào cuộc của toàn Đảng toàn dân nhưng ai cũng thấy được ngành y tế đã rất vất vả, gồng mình trong dịch. Bây giờ dịch cơ bản kiểm soát gần như sờ đến đâu, trong y tế nói chung cũng có vấn đề, cái đó cũng cần xem lại. Phổ biến nhất là vấn đề luật pháp chưa bao phủ được, tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc cho đúng, ngăn chặn việc sai nếu cán bộ y tế vi phạm từ sớm, từ xa”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay.

Về vấn đề nhiều giám đốc CDC các địa phương gần đây bị bắt, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá, phải thừa nhận có những cán bộ y tế quản lý có những sai sót, cần tiếp tục điều tra đúng để xử lý nhưng cần nhìn nhận vì sao có nhiều sai phạm đến vậy? “Có thể có người say về chuyên môn mà quên vấn đề về quản lý, tiền bạc, quy trình thực hiện gói thầu chưa chắc... nên vô tình bị sai, không loại trừ có những trường hợp biết sai nhưng cố tình làm để vụ lợi thì cần xử lý nghiêm minh”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí kỳ vọng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lần này sẽ đem đến nhiều thay đổi. Luật phải thực sự là gắn liền với lợi ích người bệnh hơn và sửa đổi bổ sung những điều bất cập, khiếm khuyết thời gian qua dẫn đến nhiều hệ lụy trong khám chữa bệnh và giải quyết vấn đề của cán bộ y tế.

“Điều quan trọng nhất tôi kỳ vọng là sửa luật với tầm nhìn xa. khi xã hội có thay đổi mạnh mẽ, cuộc cách mạng 4.0 làm thay đổi rất nhiều trong tổ chức hệ thống y tế. Các công nghệ khám chữa bệnh, văn hóa khám chữa bệnh mà điển hình là khám chữa bệnh từ xa nên luật cần được điều chỉnh, bổ sung cho đầy đủ để cho y tế thực sự có bước tiến mạnh mẽ, hiệu quả nhất nhưng mang tính hội nhập lớn với quốc tế”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình (Đoàn ĐBQH Thái Bình) cho biết, trong sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, bà quan tâm tới vấn đề đang xin ý kiến là cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ quan soạn thảo có đề nghị ngừng cấp chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2025 đối với đối tượng y sĩ, chỉ để y sĩ trong lực lượng vũ trang. 

“Theo tôi, cần tính toán lại  vì đối tượng y sĩ này đang công tác ở tuyến y tế cơ sở là chính, qua đại dịch COVID-19 vừa rồi chúng ta thấy y tế cơ sở đang yếu cả về số lượng và chất lượng, những người y sĩ là những người hoạt động tích cực ở tuyến này. Không những như thế, các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng đang thiếu nhân lực y tế và đối tượng y sĩ phù hợp với các đơn vị này”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Dung cũng cho biết, phải nhận định rằng y sĩ được đào tạo 2-3 năm như trước thì không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân cũng như thực tế. Vấn đề ở đây đặt ra không phải là ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng này, đồng nghĩa bỏ mã chức danh này. “Chúng ta phải  xem xét nâng cao trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ để họ đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Đây là lực lượng cần thiết cho y tế cơ sở khi chúng ta không đảm bảo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở hiện nay”, bà Dung kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết thêm, dự án luật lần này đã đề cập vấn đề phát triển y tế cơ sở nhưng chưa đủ, cần có chính sách và quan tâm hơn nữa. Mặc dù Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều Nghị quyết và văn bản đề ra. Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh cần được nghiên cứu để có những điều luật cụ thể hơn để tạo điều kiện cho y tế cơ sở thực sự phát triển.

Thu Trang/Báo Tin tức
Ngày 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận các dự án Luật
Ngày 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận các dự án Luật

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự án Luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN