Bên lề Kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) về đánh giá xung quanh việc điều chỉnh giá đất, nguyên tắc bồi thường và đưa ra ý kiến đóng góp để sau khi sửa đổi Luật Đất đai có thể khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Đại biểu nhận định thế nào xung quanh việc dự thảo luật điều chỉnh giá đất sẽ tháo gỡ những khó khăn bất cập trong thời gian qua?
Khung giá đất vừa qua đã xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện lâu dài ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng thu hồi đất. Chính vì vậy, đưa ra cơ chế cần tuỳ theo từng loại dự án, khu vực cụ thể. Theo tôi, cần phải có hai phương án bởi có những nơi phải tự thoả thuận theo cơ chế thị trường, nhưng có nơi Nhà nước phải thu hồi đất mới đảm bảo công bằng.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tận gốc rễ, nhất là công bằng xã hội nhằm tránh thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất cần áp dụng theo giá thời điểm của địa phương phê duyệt. Ngoài ra, những vùng doanh nghiệp phát triển, mở rộng đô thị hoặc phát triển kinh doanh nên mở ra cơ chế tự thoả thuận. Xuất phát từ những lý do đó cần có 2 cơ chế để đảm bảo công bằng và linh hoạt.
Thưa đại biểu, vấn đề thu hồi đất đặt ra trong Luật liệu có đảm bảo tính minh bạch và đạt được thoả thuận không?
Việc thu hồi đất đang đặt ra nhiều ý kiến vì có nơi Nhà nước thu hồi đất đi kèm thoả thuận chuyển nhượng; có những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phục vụ các công trình, phát triển lợi ích quốc gia và người dân.
Tuy nhiên theo tôi, nên để thị trường tự điều tiết với nhau ở các nơi tự thoả thuận để phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội. Cùng đó, không nên nêu những quy định khung, quy định cứng. Bởi, nếu quy định chung sẽ rất vướng, rất khó vì đặc thù của từng dự án, công trình và địa phương, nhu cầu, thời điểm. Do đó, cần linh hoạt để có những nơi Nhà nước thu hồi nhưng có những trường hợp nên để thị trường định đoạt, doanh nghiệp và người dân tự thoả thuận. Ngoài ra, có những nơi chính quyền phải thương lượng với người dân để thu hồi đất một cách công bằng và phù hợp với xu thế.
Đại biểu đánh giá thế nào về nguyên tắc bồi thường mà Nhà nước đặt ra trong việc thu hồi đất?
Cơ bản tôi đồng tình với nguyên tắc này của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bởi dự thảo đã thấy được những lỗ hổng, kẽ hở, nhất là những tồn tại, hạn chế của vấn đề này trong thời gian qua và đã có những quy định tháo gỡ.
Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến giá, quy hoạch, các công trình, các dự án, do đó, dự thảo Luật phải thiết kế theo từng vùng, từng công trình, từng tính chất để thu hồi đất. Còn có những vấn đề khác phải để thị trường điều chỉnh và để cho các bên thỏa thuận. Tóm lại, phải có một cơ chế vận hành thật tốt tránh khiếu nại, khiếu kiện như trước đây.
Ngoài ra, cơ chế thu hồi đất cũng phải mềm, nghĩa là những dự án đã nằm trong quy hoạch phát triển vì lợi ích quốc gia, dân tộc nên để Nhà nước thu hồi đất. Vì nếu để doanh nghiệp đứng ra thỏa thuận nhận chuyển nhượng sẽ rất khó, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Thế nhưng, cũng có những vùng chưa cần thiết đến mức Nhà nước phải đứng ra thu hồi nên để doanh nghiệp nhận chuyển nhượng tự thỏa thuận.
Có tới hơn 10% ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vậy theo đại biểu dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và xử lý được các bất cập về vấn đề này ra sao?
Qua theo dõi, tôi thấy rằng Ban soạn thảo đã cân nhắc, nghiên cứu tiếp thu thể chế trong dự thảo Luật. Đặc biệt, những vấn đề còn ý kiến thì cũng đã nghiên cứu, đề xuất đưa ra từ 1-3 phương án để làm sao lựa chọn phương án tối ưu nhất. Dù vậy, cũng có những nội dung không thể đưa vào dự thảo Luật nên giao cho lại Chính phủ hoặc tiếp thu, giải trình hợp lý.
Luật Đất đai là bộ luật quan trọng liên quan đến hàng trăm luật khác nên không thể cầu toàn và hoàn hảo. Vì thế, cần xem xét hợp tình, hợp lý, phù hợp với điều kiện đất nước giai đoạn hiện nay để làm sao Luật có tính khả thi và được Quốc hội bấm nút thông qua và sớm ban hành.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!