Tỉnh An Giang kỳ vọng, việc triển khai mô hình này ra toàn 11/11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn trong thời gian tới sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi trong lãnh đạo, điều hành, dễ phối hợp thực hiện trong triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thành quả bước đầu
Sau nhiều năm thực hiện, đến nay, mô hình đã góp phần giúp tỉnh An Giang nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong phát huy quyền dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Toàn tỉnh An Giang hiện có 119/156 xã, phường, thị trấn (đạt 76,28%) của 100% đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Hiện thành phố Long Xuyên và huyện Châu Phú là hai đơn vị đi đầu trong tỉnh về triển khai thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại 100% xã, phường, thị trấn.
Ông Trần Thanh Nhã, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, từ năm 2010, huyện đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình cấp xã. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, qua đó, giảm 7/47 biên chế được giao cho mỗi xã và tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng/xã/năm.
Đối với cấp huyện, hiện An Giang có 4/11 đơn vị là thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú và huyện Tri Tôn đã triển khai thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Trong đó, Long Xuyên là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình trên cơ sở lựa chọn nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là trình độ chuyên môn sâu về công tác đảng và quản lý nhà nước; đủ tuổi công tác đủ hai nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 hoặc ít nhất phải còn đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới. Về lộ trình đến năm 2020, tỉnh An Giang sẽ triển khai thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 156/156 xã, phường, thị trấn (đạt 100%); tiếp tục thực hiện ở cấp huyện đối với những địa phương đủ điều kiện.
Với kết quả quan trọng trong triển khai thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, mô hình bước đầu thành công thể hiện được tinh thần chỉ đạo và tổ chức thực hiện thận trọng của Tỉnh ủy, từng bước vững chắc, không nóng vội. An Giang dần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối, cấp trung gian, giảm số lượng cấp trưởng và cấp phó. Bên cạnh triển khai mô hình "Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, xã", hiện tỉnh đã triển khai thành công mô hình "Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng khóm, ấp" ở 888/888 khóm, ấp trên địa bàn tỉnh", Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết.
Đào tạo đội ngũ cán bộ
Hiện hầu hết các Đảng bộ trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện mô hình cấp xã, huyện đã phát huy được năng lực lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội ở địa phương. Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy và UBND tập trung vào một người, tạo cơ sở thống nhất cho mọi hoạt động, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại, mất đoàn kết. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung đào tạo cán bộ nguồn; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ có khả năng đảm nhiệm được nhiệm vụ của hai chức danh Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND. Tỉnh ưu tiên quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân sự đủ năng lực, phẩm chất vừa giỏi chuyên môn vừa có kinh nghiệm công tác xây dựng đảng để đảm nhiệm hai chức danh. Đây là công việc đầu tiên, quan trọng, quyết định đến sự thành bại của chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND.
Hiện tỉnh An Giang đã ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; cơ chế quản lý cán bộ và chính sách phù hợp (với địa phương) để thực hiện nhất thể hóa chức danh, hợp nhất tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (bao gồm chính sách giải quyết đầu ra, chính sách về sử dụng kinh phí tiết kiệm do tinh gọn bộ máy, chế độ phụ cấp)
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì thực hiện theo lộ trình, tỉnh An Giang xác định, trong quá trình triển khai, những việc đã rõ, cần triển khai tỉnh thực hiện ngay. Những việc mới, chưa được quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp An Giang mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, nhưng không nóng vội. Đối với những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong nội bộ và sự đồng thuận trong xã hội.
Tiến tới hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện
Thời gian tới, Tỉnh ủy An Giang tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; phấn đấu, mỗi huyện phải đạt ít nhất 50% và đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 156/156 xã, phường, thị trấn đạt 100% thực hiện nhất thể hóa chức danh.
Về số lượng và cơ cấu chức danh Phó Bí thư cấp ủy khi thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh, Tỉnh ủy giao cho Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, có thể lựa chọn phương án bố trí cho phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện ở các địa phương có đủ điều kiện. Trong đó, tiến tới hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện ở những địa phương thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện. Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy cấp mình và chỉ đạo cấp ủy cấp dưới trực tiếp xây dựng quy chế làm việc phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị.
Để triển khai rộng mô hình ra các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, hiện Tỉnh ủy An giang đã xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Song song đó, tỉnh tập trung đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ trước khi bổ nhiệm.
Từ những thành công bước đầu, có thể khẳng định, mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã triển khai tại An Giang, là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, đã tạo sự thống nhất, đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh An Giang.