Với chủ trương “tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch” tại cửa khẩu cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Biên phòng Cửa khẩu cảng Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, tạo tiền đề cho việc vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch.
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thủ tục xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài 1: Nắm bắt xu thế hội nhập thời công nghệ số
Là địa phương có nhiều cảng biển, với số lượng tàu thuyền, người, hàng hóa xuất nhập qua cảng rất lớn, việc quản lý đảm bảo sự chặt chẽ mà vẫn thuận tiện trong bối cảnh tinh gọn bộ máy là yêu cầu đặt ra cho Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh. Biên phòng Cửa khẩu cảng Thành phố đã nhanh chóng nắm bắt xu thế hội nhập thời công nghệ số, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là triển khai Biên phòng điện tử, góp phần vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác biên phòng trong tình hình mới.
Bắt kịp xu thế
Cùng với các lực lượng chức năng khác, bộ đội Biên phòng Thành phố đã triển khai công tác thủ tục giám sát tàu nước ngoài đến cảng, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, bảo vệ an toàn cho các tàu, thuyền viên, hành khách nước ngoài đúng thông lệ quốc tế, đúng pháp luật Việt Nam, đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý chặt chẽ người và phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh, phục vụ tốt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, mở rộng giao lưu hợp tác của thành phố với các nước trong khu vực và quốc tế.
Xác định cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục biên phòng là yêu cầu tất yếu trong tình hình mới, từ năm 2001, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Thành phố Hồ Chí Minh triển khai bước đi ban đầu là chủ động khai báo thủ tục biên phòng thông qua hộp thư điện tử, tạo tiền đề báo cáo lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát triển kế hoạch xây dựng cổng thông tin điện tử Biên phòng cảng biển.
Đây là cơ sở quan trọng để Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả Quyết định 22/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển với 7 cảng biển trên cả nước. Ngày 3/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 10/2016/QĐ-TTg về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển (có hiệu lực từ 18/4/2016).
Trung tá Trần Ngọc Diệp, Đội trưởng Đội Thủ tục, Biên phòng Cửa khẩu cảng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình thủ tục biên phòng cảng biển điện tử mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cho chính các cán bộ, chiến sĩ biên phòng khi làm nhiệm vụ. Việc lưu trữ, điện tử hóa các hồ sơ phương tiện, con người giúp việc truy xuất, kiểm tra nhanh chóng và chính xác. Quyết định 10/2016/QĐ-TTg là bước đột phá mới nhằm minh bạch, công khai, hiệu quả trong công tác thủ tục biên phòng, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, vừa đảm bảo thông thoáng về thủ tục và yêu cầu của công cuộc hội nhập, phát triển.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2018, công tác thủ tục biên phòng điện tử được kết nối với Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, Biên phòng Cửa khẩu cảng Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức dừng phương thức thủ công đối với tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh (vào, rời cảng), quá cảnh và chuyển cảng. “Chỉ áp dụng phương thức thủ công trong trường hợp hệ thống cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử, Cổng thông tin một cửa quốc gia không hoạt động hoặc tàu thuyền không đủ điều kiện làm thủ tục biên phòng điện tử”, Trung tá Trần Ngọc Diệp cho biết.
Đơn vị đã nghiên cứu xây dựng các phần mềm hỗ trợ cho công tác báo cáo thống kê, in ấn các loại giấy phép, tra cứu thông tin về tàu, thuyền viên, hành khách, người ra vào hoạt động tại khu vực cửa khẩu cảng; đảm bảo nhanh chóng, chính xác hơn và tiến hành cập nhật được ngay khi cần tra cứu, thống kê. Công tác cấp giấy, thu lệ phí cũng cụ thể, rõ ràng, minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn cho các đối tượng đến làm thủ tục biên phòng, Biên phòng Cửa cảng Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên nghiên cứu hoàn thiện quy trình thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng, gắn cải cách thủ tục hành chính với các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển, đảm bảo chặt chẽ về nghiệp vụ và pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, cũng như sự phát triển của thành phố thông minh, hiện đại Chính phủ điện tử, công nghệ 4.0…
100% qua điện tử
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bộ đội Biên phòng Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân thực hiện đầu tư, nghiên cứu nâng cao năng lực, nghiệp vụ cửa khẩu, cải cách các quy trình công tác ngày càng hoàn thiện. Điều này nhằm tạo điều kiện thông thoáng trong hoạt động xuất nhập cảnh, lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu cảng biển.
Việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia đã đi vào ổn định, bảo đảm được tính bảo mật cao, chất lượng bảo đảm, quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, bước đầu đã đạt được kết quả theo yêu cầu đặt ra. 100% các doanh nghiệp, đại lý đã tiến hành khai báo thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu nước ngoài và tàu Việt Nam xuất nhập cảnh.
Đối với doanh nghiệp vận tải, đại lý hàng hải, việc áp dụng thủ tục biên phòng điện tử giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp như: tiết kiệm thời gian đi lại, giúp đại lý đơn giản bớt giấy tờ lưu trữ. Doanh nghiệp cảng có thể tận dụng khai thác tối đa nguồn lực, cơ sở hạ tầng, công trình cầu cảng. Quá trình thực hiện cho thấy, thực hiện thủ tục biên phòng điện tử đã đảm bảo được tính bảo mật cao, chất lượng kết nối đảm bảo ổn định, các tiện ích được áp dụng tối đa, phát huy hiệu quả. Việc khai báo qua mạng internet của doanh nghiệp, đại lý nhanh chóng, kịp thời, thân thiện, hiệu quả và giúp doanh nghiệp tiếp nhận thông tin về tình hình tàu thuyền xuất nhập cảnh của cơ quan quản lý Nhà nước.
Là một công ty chuyên về du lịch tàu biển, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và Du lịch Tân Hồng thường xuyên phải làm thủ tục tại cửa khẩu cảng. Khi chưa có Biên phòng điện tử, doanh nghiệp phải cử người chạy qua lại để làm các thủ tục theo quy định. Trước đây, việc làm thủ tục rất vất vả, nhiều khi nhân viên phải đi lại nhiều lần để bổ túc hồ sơ hoặc xếp hàng chờ đợi, thậm chí phải 2 - 3 lần mới hoàn thành. Từ khi triển khai Biên phòng điện tử, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện thủ tục qua mạng internet. Các khoản thu phí, lệ phí được công bố công khai, mang lại sự an tâm, tin tưởng của doanh nghiệp về tính minh bạch trong công tác biên phòng.
Ông Vương Khải Phương Nhân (Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Tân Hồng) cho biết, hiện nay, chỉ cần ngồi văn phòng để khai báo theo mẫu, cung cấp các hồ sơ cần thiết cho Biên phòng cửa khẩu cảng để làm thủ tục, nếu thiếu sẽ bổ sung trực tiếp qua mạng. Khi hoàn thành các thủ tục, đại diện công ty mới qua để ký nhận theo quy định. Điều này mang lại lợi ích cho khách hàng cả và lực lượng biên phòng.
Kết quả thực tế cho thấy, thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển đã đạt được kết quả, mục đích đề ra. Giảm thiểu được thời gian neo đậu tại cảng chờ hoàn thành thủ tục của người, phương tiện; giảm thiểu tối đa các loại giấy tờ, tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí cầu bến neo đậu, hao mòn máy móc phương tiện… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xếp, dỡ hàng hóa tại cảng biển, qua đó thu hút ngày càng nhiều các hãng tàu trên thế giới đến cảng biển Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tại cảng; khai thác hiệu quả năng lực cảng biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Qua thời gian thực hiện, 100% các đại lý hàng hải, chủ phương tiện đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện thủ tục biên phòng điện tử.
Bài cuối: Không ngừng đổi mới phát triển