Cụ thể, cơ sở bệnh viện dã chiến đầu tiên với quy mô 1.500 giường này được xây dựng tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) trên đường Hùng Vương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một. Tổng Công ty Becamex là đơn vị hỗ trợ đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và ngành y tế triển khai trong một thời gian ngắn, kịp thời đưa vào hoạt động trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh ở Bình Dương.
Ngoài việc gấp rút triển khai các bệnh viện dã chiến, tỉnh Bình Dương tận dụng thêm Khu A, Block 3, 4 Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được bổ sung khu điều trị bệnh nhân COVID-19 có quy mô 1.000 giường. Khu điều trị thực hiện chức năng cách ly, chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19, được sử dụng con dấu, tài khoản của Trung tâm Y tế Thành phố Dĩ An để hoạt động và thực hiện các giao dịch với các đơn vị liên quan.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số giường trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng điều trị được khoảng 2.400 người. Hiện, ngành y tế đang tập trung thiển khai hoàn thiện bổ sung các khu điều trị khác, cộng thêm hai cơ sở bệnh viện dã chiến, trong đó 1 cơ sở đã hoàn thành, góp phần nâng năng lực điều trị của tỉnh lên 6.000 giường.
Trước đó, sáng 17/7, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng các ngành chức năng đến kiểm tra Khu cách ly điều trị tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, động viên và nắm tình hình điều trị của các bệnh nhân.
Khu cách ly điều trị ở phường Thới Hòa trước đây là khu tiếp nhận các trường hợp F1 đến cách ly, nhưng từ ngày 1/7 khu này chuyền thành tiếp nhận các trường hợp đối với bệnh có triệu chứng nhẹ để điều trị. Đến nay, đã có 250 ca mắc COVID-19 chuyển đến đây điều trị, trong đó có 6 ca nặng đã được chuyển cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Sau khi đi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo thị xã Bến Cát, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng hiện công tác phòng, chống dịch đang triển khai quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, ngoài sự hỗ trợ từ cấp tỉnh, thị xã Bến Cát cũng như các địa phương cần linh hoạt vận dụng bốn phương châm tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất và hậu cần tại chỗ) để kiện toàn nâng cao năng lực hiệu quả phòng, chống dịch trên địa bàn. Với quyết tâm cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh vào thời gian này cần nhanh chóng xét nghiệm, tách hết F0 ra khỏi cộng đồng, bảo vệ "vùng an toàn dịch" và các nhà máy, ổn định sản xuất trong điều kiện mới.
* Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thành phố Đà Nẵng ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 lây lan tại cộng đồng, đặc biệt có nhiều trường hợp ghi nhận tại các khu công nghiệp chưa xác định rõ nguồn lây, chiều 17/7, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hiện nay thành phố Đà Nẵng có 276.332 hộ gia đình. Với điều kiện năng lực lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 và tình hình cung ứng vật tư, sinh phẩm để phục vụ xét nghiệm, việc tổ chức xét nghiệm diện rộng theo hộ gia đình trên địa bàn sẽ được tiến hành theo thứ tự.
Cụ thể, đối với 4 phường đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường An Khê, Thạc Gián (quận Thanh Khê) được xét nghiệm toàn bộ 100% số hộ gia đình với khoảng 35.897 hộ, các xã, phường còn lại sẽ xét nghiệm 30% số hộ gia đình với khoảng 72.131 hộ.
Đối tượng xét nghiệm là cá nhân đại diện cho từng hộ gia đình được chọn xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các khu dân cư trên địa bàn phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: chủ hộ hoặc đại diện hộ gia đình, là người có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trong hộ gia đình (người có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây người có tiếp xúc với nhiều người trong xã hội; hộ có công nhân, sinh viên thuê trọ; hộ có đông nhân khẩu...). Người trên 18 tuổi, đảm bảo sức khỏe để lấy mẫu tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung. Các trường hợp loại trừ là các cá nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ đến thời điểm thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch này. Hộ gia đình, cá nhân thuộc các khu vực đang thực hiện phong tỏa đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng. Người có biểu hiện bất thường trong 14 ngày gần đây cần hướng dẫn đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay.
Thời gian thực hiện từ ngày 17/7 đến 21/7, loại mẫu xét nghiệm là mẫu gộp 10. Trên cơ sở kết quả này, Sở Y tế Đà Nẵng đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện và tiếp tục đề xuất việc lấy mẫu xét nghiệm của giai đoạn tiếp theo. Kế hoạch này nhằm phát hiện sớm người mắc COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt những trường hợp mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng để nhanh chóng khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, cách ly, dập dịch kịp thời.
* Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên cho biết từ 8 giờ ngày đến 17 giờ ngày 17/7 Phú Yên ghi nhận thêm 30 ca mắc COVID-19.
Thành phố Tuy Hòa vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 23 ca là F1 đang điều trị trong bệnh viện, trong các khu cách ly; thị xã Đông Hòa ghi nhận 6 ca mắc mới, trong đó 2 ca trong khu vực phong tỏa, 4 ca sàng lọc tại Trạm y tế; huyện Sơn Hòa ghi nhận 1 ca. Như vậy, từ ngày 23 tháng 6 đến nay, Phú Yên đã ghi nhận 757 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Phú Yên có thêm một bệnh nhân được xuất viện. Bệnh nhân 23647, sinh năm 19, thôn Đông Phước, Hòa An, huyện Phú Hòa. Bệnh nhân vào viện ngày 06/7, quá trình nằm viện không có triệu chứng lâm sàng và được xuất viện.
Cũng trong ngày 17/7, Đoàn công tác Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện đã có buổi làm việc với đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Phú Yên. Đây là đoàn cán bộ y tế thứ ba của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào chi viện tỉnh Phú Yên chống dịch COVID-19. Trước đó, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử hai đoàn công tác gồm 10 thành viên hỗ trợ tỉnh Phú Yên.
Đoàn công tác Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn về hướng dẫn và cập nhật các nội dung mới liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, kỹ thuật truy vết, xét nghiệm, cách ly bệnh nhân COVID-19 cho cán bộ chuyên trách tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các Bệnh viện dã chiến, Trung tâm Y tế tuyến huyện. Đồng thời, đoàn công tác đã hỗ trợ tỉnh Phú Yên 8 máy thở, 4 máy theo dõi bệnh nhân, 1 máy lọc máu và một số vật tư y tế thiết yếu khác.
Để sớm triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Kế hoạch số về tổ chức triển khai Nghị quyết số /NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.