Theo thông lệ, cuối năm là dịp giá cả hàng hóa tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Từ cuối tháng 10 đến nay, trên thị trường, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, thậm chí các loại mặt hàng thiết yếu hàng ngày như đường, dầu ăn, gạo cũng đã tăng từ 10 - 30%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, tranh thủ dịp cuối năm, sẽ có một số tư thương gom hàng, thậm chí có thể tung tin thất thiệt đẩy tình trạng sốt nóng cục bộ để từ đó nâng giá, thu lời bất chính.
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường chủ yếu vẫn tại các chợ truyền thống, siêu thị chỉ chiếm 30%. Để quản lý giá các mặt hàng trên thị trường tự do, cơ quan chức năng cần tham khảo, đối chiếu giá từ các doanh nghiệp sản xuất đến phân phối, bán lẻ, từ đó tìm ra điểm bất hợp lý; đẩy mạnh chống liên kết độc quyền, nâng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thừa nhận thị trường giá cả hiện nay đang khá nóng, không chỉ thực phẩm mà cả giá gạo và một số mặt hàng quan trọng như sắt thép, xi măng, xăng dầu cũng đang có xu hướng nhích lên. Tại các chợ đầu mối, giá cả vẫn ổn định và kiểm soát được do nguồn cung dồi dào nhưng về đến chợ như chợ cóc thì giá lại leo lên. Theo Bộ Công Thương, việc kiểm soát giá hiện nay đang gặp khó khăn. Cụ thể, các điểm bán hàng bình ổn giá mạo danh lại đang có dấu hiệu phát triển tràn lan, do vậy, hàng bán đúng giá niêm yết chưa đến đúng đối tượng người tiêu dùng. Ngay như trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã quy định 16 điểm bán hàng có niêm yết giá. Tuy nhiên, trên thực tế, số điểm mạo danh bán hàng niêm yết lại tăng lên không kiểm soát được mà chế tài xử phạt hành chính lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe vi phạm. Trong khi đó, giới kinh doanh đang mượn cớ vàng, đô la biến động để điều chỉnh giá bán.
Theo ông Chiến, vào dịp cuối năm, sự gia tăng của nhu cầu mua sắm khiến giá bán của nhiều loại hàng hóa cũng bị đội lên. Việc tăng giá này ngoài yếu tố đầu vào tăng, chênh lệch tỷ giá, còn có yếu tố là tâm lý, chứ không phải do "cung" không đáp ứng đủ "cầu".
Để tham gia bình ổn giá trên thị trường, “những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra để tránh tình trạng gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả. Các điểm bán hàng bình ổn giá cũng là đối tượng của các đợt kiểm tra xem có thực hiện đúng cam kết là bán thấp hơn giá thị trường từ 5-10%”, ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nói.
Uyên Hương