Kỷ niệm năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2012):

Bộ đội Hải ngoại của quân đội ta

Có một đặc điểm chung lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đó là ra đời từ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam mà chiến đấu.


Từ các đội tự vệ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, đến du kích Nam Kỳ, du kích Ba Tơ, du kích Bắc Sơn, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, các đội Cứu quốc quân…, được sự chăm lo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự giúp đỡ của nhân dân, đã phát triển thành các đơn vị chủ lực lớn mạnh sau này…


Tất cả đều ra đời trong đấu tranh cách mạng của nhân dân và trưởng thành trong chiến tranh nhân dân. Tuy nhiên, chiến đấu dưới lá cờ “Quân kỳ quyết thắng” quang vinh còn có một số đơn vị vũ trang ra đời trong phong trào cách mạng của Việt kiều ở nước ngoài - đó là các đơn vị bộ đội hải ngoại từ Thái Lan, Lào và Campuchia về nước tham gia kháng chiến. Đây là một nét độc đáo trong lịch sử xây dựng và phát triển của quân đội ta. Bài viết này xin giới thiệu sơ bộ về một số những đơn vị bộ đội hải ngoại đó.


Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu – TTXVN


Với cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ - một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Sự kiện này đã làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, khi thực dân Pháp gây chiến ở Sài Gòn rồi mở rộng ra cả nước, chúng ta buộc phải kháng chiến, kiều bào ta ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực và thiết thực ủng hộ, chi viện cho cuộc chiến đấu ở trong nước.


Ngày 30/11/1945, trên 25.000 kiều bào ta ở Pháp đã xuống đường biểu tình, tố cáo trước dư luận thế giới hành động xâm lược của thực dân Pháp và đòi nhà cầm quyền Anh “hãy gọi quân Anh về nước. Việt kiều ở Mianma tổ chức quyên góp tiền, mua vũ khí gửi về Tổ quốc. Đồng bào ở đây còn tổ chức tuần hành trên bến cảng, giương cao khẩu hiệu trước các tàu chiến, phản đối quân Anh giúp Pháp xâm lược Việt Nam. Bà con Việt Nam sinh sống ở Quảng Châu (Trung Quốc) gửi về ủng hộ Nam bộ 35.151 đồng Đông Dương, 5 chiếc nhẫn vàng...


Còn Việt kiều sinh sống ở Thà Khẹt, Viêng Chăn, Xavanakhét, ở vùng Đông Bắc Thái Lan cũng đã thành lập “Ủy ban ủng hộ Nam bộ”, quyên góp tiền mua sắm vũ khí gửi theo các đoàn quân tình nguyện mang về nước. Ngoài việc ủng hộ vật chất, kiều bào ta ở Thái Lan, Lào và Campuchia còn thành lập các đơn vị vũ trang với trang bị khá nhiều và tốt về nước trực tiếp tham gia chiến đấu cùng quân và dân các địa phương ở chiến trường Nam bộ.


1- Bộ đội Độc Lập số 1 được thành lập ngày 10/8/1946, tại Chiến khu 4 Tà Ôm - một trong 4 chiến khu của lực lượng vũ trang Việt kiều tại Thái Lan. Đơn vị có 105 cán bộ chiến sỹ - đại đa số là con em Việt kiều ở Bát Tam Bang, do Huỳnh Văn Vàng làm Chỉ huy trưởng, Ngô Thất Sơn Chỉ huy phó, Đặng Văn Duyệt làm Chính trị viên. Cùng ngày, đơn vị xuất phát hướng về Tổ quốc. Dọc đường đi, đơn vị mang danh nghĩa bộ đội Issarắk do Ngô Thất Sơn chỉ huy. Vượt sông Mê Kông giữa mùa nước lũ lên cao, nước chảy xiết, ghe chở đơn vị lạc nhau.


Tới ngày 20/9/1946, một bộ phận khoảng 20 người do Huỳnh Văn Vàng và Ngô Thất Sơn chỉ huy về được đến căn cứ Tân Biên. Bộ phận còn lại về vùng Lộc Ninh - Hớn Quản nhưng không móc nối được với cơ sở, bị lộ và bị quân Pháp tập kích nhiều lần, nên phải vượt sông Bé về vùng Bắc Đồng Xoài. Ngày 13/10/1946, bộ phận này mới bắt được liên lạc với trinh sát Chi đội 10. Tới ngày 20/10/1946, hai bộ phận mới gặp nhau tại căn cứ Cây Cầy (xã Hòa Hội, Châu Thành, Tây Ninh) và đổi tên thành bộ đội hải ngoại số 1.


Sau khi đơn vị về nước, Quân khu 7 đã rút Huỳnh Văn Vàng về Sài Gòn - Gia Định và chỉ định Ngô Thất Sơn làm Chỉ huy trưởng, bố trí đơn vị hoạt động ở Tây Ninh. Tại đây, đơn vị tiến hành các hoạt động quấy rối địch, diệt tề trừ gian, bảo vệ phong trào địa phương, vận động thanh niên tòng quân và kêu gọi đồng bào ủng hộ vật chất cho kháng chiến. Một bộ phận của đơn vị đã phối hợp với Chi đội 11 tiến hành các hoạt động công đồn, chống càn, bảo vệ căn cứ, đối phó với lực lượng Cao Đài phản động trên địa bàn tỉnh.


Đầu năm 1947, Bộ đội hải ngoại số 1 được chuyển thành Trung đoàn 305. Cuối tháng 10/1948, Quân khu 7 quyết định thành lập Bộ đội Sivotha gồm các lực lượng Khmer Issarắk hiện có và tăng cường một bộ phận lớn của Trung đoàn 305 và một đại đội của Trung đoàn 311. Ngô Thất Sơn được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Sivotha. Đây là đơn vị quân tình nguyện Việt Nam có nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc Campuchia như Svây Riêng, Preyveng, Congpong Chàm, Kratíe.


Bộ đội Sivotha ra đời thay thế và kế tục nhiệm vụ của bộ đội hải ngoại số 1. Từ đây, bộ đội hải ngoại số 1 coi như hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và hòa nhập vào lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở miền Đông Campuchia.


Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!”.


2 - Bộ đội hải ngoại số 3 (Quang Trung) được thành lập vào tháng 11/1946, tại Bátđamboong tại Chiến khu Phnum Tippaday. Phạm Xuân Thuận là Chỉ huy trưởng kiêm Chính trị viên trưởng, Hoàng Xuân Bình phụ trách quân sự, Võ Hoàng và Hoàng Ngọc Cừ làm Chính trị viên phó. Chiều 15/11/1946, đơn vị làm lễ xuất phát về Tổ quốc trong sự tiễn đưa xúc động của đồng bào Việt kiều địa phương. Trên đường hành quân, đơn vị lấy danh hiệu công khai là lực lượng của Khmer Issarắk.


Sau một hành trình đầy khó khăn, gian khổ, vượt rừng núi trong sự truy lùng của quân Pháp, ngày 5/1/1946, đơn vị tới bờ kênh Vĩnh Tế, về đến Tổ quốc trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân. Khi về nước, đơn vị đóng quân ở xã Vĩnh Hòa, quận Tân Châu (Châu Đốc - An Giang). Sau đó, Bộ Tư lệnh Khu 9 đã phân tán bộ đội Quang Trung về nhiều cơ quan đơn vị của Khu, trong đó phần lớn về trong thành phần Chi đội 22.


3 - Chi đội Hải ngoại 4 (Chi đội Trần Phú) được thành lập vào đầu tháng 8/1946 tại Chiến khu Um Kè - Nong Hỏi (Thái Lan). Lúc thành lập, chi đội có hơn 400 người. Ngày 10/12/1946, sau 4 tháng học lập và lao động, đơn vị nhận lệnh về Nam bộ chiến đấu. Ngày 20/12, toàn lực lượng hành quân từ Thát Phanon (Trung bộ Thái Lan) về tập kết ở khu rừng Mường Đệt (Đông Nam Thái Lan).


Tại đây, đơn vị được tăng cường thêm 3 cán bộ là Sơn Ngọc Minh - cán bộ cách mạng Campuchia, Trần Văn Sáu, Lê Quốc Trung và 4 chiến sỹ nữa. Chi đội được tổ chức thành 3 đại đội chiến đấu, 1 phân đội trinh sát, 1 phân đội vận tải. Vũ khí trang bị của đơn vị phần lớn là các loại súng liên thanh mới và khá nhiều đạn. Quân phục thống nhất dép da, ba lô, thắt lưng, mũ sắt. Cán bộ chiến sỹ đơn vị đều phải mang vác khá nặng.


Chiều 26/12/1946, tại khu rừng Mường Đệt, Đội Trần Phú làm lễ xuất phát, ban chỉ huy Chi đội gồm: Nguyễn Chánh - chi đội trưởng, Lê Quốc Sản và Đỗ Huy Rừa - chi đội phó, Trần Văn Sáu - chính trị viên, Lê Quán Trung và Dương Cự Tẩm; Sơn Ngọc Thành - cố vấn.


Cuộc hành quân của Chi đội về đất nước chỉ bằng đôi chân, vai mang nặng vượt qua hàng trăm cây số đường trong điều kiện địch luôn truy đuổi, địa hình không thông thạo… nên gặp rất nhiều khó khăn. Trên đường đi, Chi đội phải chiến đấu với địch ở Roviêng, Kratíe.


Ngày 27/2/1947, đơn vị về đến Tây Ninh. Hai ngày sau đó, Chi đội di chuyển về căn cứ Trà Vông cùng đơn vị Bộ đội độc lập số 1 của Ngô Thất Sơn cũng vừa từ Thái Lan về. Về đến Tổ quốc, đơn vị đã tham gia chiến đấu ngay cùng quân và dân miền Đông Nam bộ. Đầu tiên là trận đánh địch nhảy dù ở Giồng Dinh và Giồng Thổ Địa. Đơn vị phối hợp cùng các đơn vị của Chi đội 11, Bộ đội hải ngoại 1, Bộ đội Hoàng Thọ… chiến đấu ở Trảng Bàng và Gò Dầu (Tây Ninh). Sau đó, đơn vị nhận lệnh về hoạt động ở Sa Đéc.


Đầu tháng 4/1947, Chi đội về hoạt động ở hữu ngạn sông Tiền gồm các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và thị xã Sa Đéc, dưới sự chỉ đạo của Khu 8. Lúc này, Chi đội được Khu tăng cường thêm Đại đội Xung phong, nâng số đơn vị thuộc Chi đội lên 4 đại đội. Trên chiến trường Sa Đéc, đơn vị đã tham gia chiến đấu nhiều trận lớn nhỏ, giành nhiều thắng lợi, góp phần đưa phong trào chiến tranh ở địa phương phát triển mạnh. Trong số đó có những trận có ảnh hưởng lớn trong vùng như: Trận đột nhập thị xã Sa Đéc đêm 18/5/1947; trận Rạch Chân Đùng huyện Chợ Mới; trận phục kích trên sông Cái Tầu Thượng, trận phục kích đoàn xe chở quân Pháp trên đường Sa Đéc đi Vĩnh Long tháng 12/1947…


Song song với chiến đấu, Chi đội đã tiến hành vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng ở những nơi giặc Pháp chiếm đóng và có bọn phản động Hòa Hảo. Chi đội còn phối hợp cùng với địa phương tổ chức đường giao liên quân sự, bảo đảm cho các cơ quan Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ di chuyển từ Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam bộ an toàn. Đơn vị đã góp phần bảo đảm cho việc vận chuyển lương thực từ miền Tây lên miền Đông an toàn và kịp thời khi miền Đông gặp khó khăn về lương thực.


Quá trình hoạt động, đơn vị được mang các phiên hiệu Chi đội Trần Phú, Chi đội Hải ngoại 4, Trung đoàn 109. Khoảng giữa năm 1949, Trung đoàn 109 cùng với Trung đoàn 111 tổ chức thành Liên đoàn 109 - 111 hoạt động ở ba tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh (gọi tắt là Vĩnh - Sa - Trà). Theo chỉ thị của Khu 8, trước khi cùng với Trung đoàn 111 tổ chức thành Liên trung đoàn, Trung đoàn 109 để lại một số đồng chí tổ chức thành Tiểu đoàn 325, do đồng chí Nguyễn Như Văn làm Tiểu đoàn trưởng, tiếp tục hoạt động ở các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và thị xã Sa Đéc. Đơn vị còn đưa một số cán bộ đại đội về huyện đội, trung đội, tiểu đội về làm xã đội và tiểu đội du kích xã.


4 - Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long 2 được thành lập ngày 16/5/1947 tại Chiến khu 1 Prak Pông tỉnh Pranchin Bouri (Thái Lan), là đơn vị về Nam bộ sau cùng. Tiểu đoàn có 300 người. Ban chỉ huy gồm: Dung Văn Phúc (tức Dương Quang Đông) - Tiểu đoàn trưởng, Trương Văn Kỉnh - Chính trị viên và Bông Văn Dĩa - Tiểu đoàn phó. Sáng 7/11/1947, đơn vị làm lễ xuất quân về nước. Sau 25 ngày đêm hành quân vượt khó khăn gian khổ, đơn vị về đến địa phận tỉnh Hà Tiên và đóng tại căn cứ Tà Teng. Ngày 8/12/1947, tiểu đoàn về Huyện Sử, xã Thới Bình tỉnh Bạc Liêu nay là xã Trí Phải, Thới Bình (Cà Mau). Tới đây, tiểu đoàn trở thành đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Khu 9, về tác chiến trực thuộc sự chỉ huy của Tiểu đoàn 125 Bạc Liêu. Tại đây, tiểu đoàn tiếp tục được bổ sung khoảng 60 - 70 anh em, đa số là người Cà Mau, Bạc Liêu.


Tiểu đoàn đã tiến hành một số trận đánh như bao vây đột nhập đồn Tắc Vân (3/1948), bao vây tiến công đồng ruộng muối Êvráck (4/1948), trận Tân Lộc - Tân Lợi thuộc huyện Thới Bình (5/1948), trận Ngã ba Thầy Cẩm (7/1948)…


Đầu năm 1949, đơn vị cùng với Bộ đội 251 tổ chức thành Trung đoàn 131 quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tháng 10/1954, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, đơn vị chuyển quân về Cà Mau và tập kết ra Bắc, phân chia lực lượng cho các đơn vị khác, một số nhận công tác khác.


Bên cạnh các đơn vị được thành lập từ nước ngoài, được trang bị khá đầy đủ và hành quân về nước tham gia kháng chiến, còn có một đơn vị dù được thành lập trên đất Việt Nam song thành phần cơ bản lại là các thanh niên Việt kiều yêu nước từ nước ngoài trở về tham gia sự nghiệp kháng chiến cứu nước. Đó chính là Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân được thành lập cuối tháng 9/1945.


Đại đội gồm 3 trung đội, mỗi trung đội có 4 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 12 người và các bộ phận trinh sát, liên lạc, quân y cấp dưỡng. Đồng chí Tô Cương được cử làm Đại đội trưởng, đồng chí Mộc làm Chính trị viên.


Như vậy, trong bối cảnh cuộc chiến đầu chống thực dân Pháp xâm lược những năm đầu cực kỳ cam go, gian khổ, thiếu thốn mọi bề, sự xuất hiện của các đơn vị vũ trang Việt kiều tại các chiến trường Nam bộ đã là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn với Nam bộ nói riêng sau ngày Nam bộ kháng chiến, cũng như với quân và dân cả nước sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).


Về quân số và trang bị, các đơn vị vũ trang Việt kiều đã đóng góp một số lượng khá lớn quân số và vũ khí trang bị vào biên chế lực lượng vũ trang Nam bộ lúc bấy giờ. Cụ thể, Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân có 200 người. Bộ đội Độc lập 1 có khoảng 105 cán bộ chiến sỹ. Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long gần 300 người. Chi đội 3 Quang Trung có khoảng 50 người. Chi đội 4 Trần Phú có khoảng hơn 400 người. Đây là sự bổ sung và phát triển thêm về quân số và trang bị cho các đơn vị vũ trang vốn còn nhỏ bé và ít trang bị ở trong nước, góp phần quan trọng vào những thắng lợi của quân và dân ta tại những chiến trường này.


Hơn tất cả, sự thành lập và trở về nước tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp của các đơn vị vũ trang Việt kiều đã biểu thị sự đoàn kết, tinh thần dân tộc mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Dù ở xa Tổ quốc và đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào ta ở đây đã tập hợp vận động con em mình trở về Tổ quốc để cùng đồng bào trong nước chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được. Nó cũng chứng tỏ tinh thần yêu nước của những con dân đất Việt, dù xa cách nhưng lòng vẫn hướng về dân tộc, hướng về đất nước. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị vũ trang Việt kiều đã hòa mình vào cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Rất nhiều cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị vũ trang Việt kiều về sau đã trở thành những tướng lĩnh và các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.



Phan Sỹ Phúc

Góp phần giữ nghiêm kỷ luật quân đội

Chiều 17/12, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, chúc mừng toàn thể cán bộ, nhân viên Viện kiểm sát và Tòa án Quân sự Trung ương...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN