Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế; quy hoạch các cấp, các ngành và địa phương; các cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương… Đây là những quyết sách quan trọng để cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng nêu tại Đại hội XIII của Đảng và cũng là căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, ban hành nhiều đạo luật quan trọng với tư duy và tầm nhìn đổi mới, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành trong đầu tư sản xuất kinh doanh để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất để kịp thời sửa đổi, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thực hiện.
Với sự đồng ý của Quốc hội, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các khó khăn, vướng mắc này thông qua xây dựng một luật sửa 10 luật, sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới, trong đó có 6 luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cùng với các quy định thực hiện để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Theo Bộ trưởng, trước tác động của dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế tổ chức khảo sát, điều tra, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để kịp thời tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động giảm chi phí sản xuất, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sớm trở lại hoạt động khi dịch được kiểm soát, đóng góp chung vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 10 tháng năm 2021.
Bên cạnh các chính sách đã ban hành, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch trong năm 2021, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, đưa đất nước phục hồi, thích ứng và phát triển bền vững trong tương lai, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 mà Đại hội XIII đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
“Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp giữa thực tiễn trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng thực hiện của đất nước nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong tiếp tục nhận được những ý kiến, đề xuất sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và sớm phát huy có hiệu quả trong cuộc sống”, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp lần này, Quốc hội lựa chọn 4 lĩnh vực để chất vấn, trong đó có 3 lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực xã hội, chỉ có một nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đây là điểm đáng chú ý. Khác với các kỳ họp trước đây thường cân đối trong bốn nội dung chất vấn thì có hai vấn đề liên quan đến xã hội, hai vấn đề liên quan đến kinh tế.
“Lần này Quốc hội lựa chọn rất tinh tế. Tựu trung lại có hai vấn đề mà cử tri và đồng bào cả nước quan tâm, đó là vấn đề phòng, chống dịch như thế nào, tác động đến kinh tế - xã hội ra sao. Các nội dung này cũng đã được thảo luận ở tổ, ở phiên làm việc toàn thể 2 ngày và trong ba buổi chất vấn vừa qua cũng đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch, các ngành văn hóa – xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được ví như tổng tham mưu về kinh tế của đất nước, thay mặt cho các bộ trong khối kinh tế giúp Quốc hội giải đáp vấn đề thực trạng kinh tế hiện nay, xu hướng và bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tới đây; các kế sách để xây dựng một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch; vai trò của đầu tư công, cũng như lý giải việc giải ngân vẫn chậm, cùng những định hướng, giải pháp tháo gỡ.