Tại buổi tiếp, Giáo sư Klaus Schwab đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thiết lập cơ chế chính sách để thúc đẩy tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy môi trường kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là tạo môi trường sẵn sàng thay đổi với các công nghệ mới, làm chủ và phát triển các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, robot… Giáo sư Klaus Schwab cho biết WEF đã mở trung tâm về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bắc Kinh, Singapore và trong 12 tháng tới sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao, cảm ơn sáng kiến của WEF và cá nhân ngài Chủ tịch điều hành WEF đã tổ chức Diễn đàn mở về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp thu các thông tin giá trị từ cộng đồng trong và ngoài nước, từ các chuyên gia của WEF và của cá nhân ngài Chủ tịch để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035 và kịch bản cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã tặng Giáo sư Klaus Schwab phần quà là sản phẩm truyền thống của Việt Nam ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Giáo sư Klaus Schwab đã tặng Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do chính Giáo sư biên soạn.
Hai bên vui mừng nhận thấy mối quan hệ giữa WEF và Chính phủ Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, trong đó có mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ.