Trước câu hỏi của đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Hạ tầng viễn thông internet đã giúp bà con vùng sâu, vùng xa có thể dùng điện thoại, internet, thông qua đó để học tập thì Việt Nam đã có nguồn lực. Hiện nay, chúng ta đã đưa cáp quang đến được 93% thôn, bản. Trước đó là huyện, xã là 100%. Tuy nhiên, đưa đến thôn, bản tỷ lệ cao như thế thì Việt Nam là một trong số ít nước. Giá dịch vụ viễn thông, internet của Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm top 20, rẻ nhất trên thế giới. Trung bình một người dân Việt Nam trả 55.000 đồng/tháng cho dùng điện thoại, internet, thấp nhất các nước trong khu vực”.
Về việc các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam liệu rằng có phát triển ứng dụng của nền tảng số phục vụ cho nền giáo dục không? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Không những đáp ứng được mà còn đáp ứng tốt với mức giá phù hợp, rẻ hơn nước ngoài. Chúng ta có những doanh nghiệp số ở Việt Nam làm chuyển đổi số của Nhật, Mỹ thì không lý gì lại không thể làm cho Việt Nam. Vấn đề ngành giáo dục, Bộ, ngành, các địa phương hãy đặt ra nhiều bài toán hơn nữa. Bài toán càng khó bao nhiêu, càng thách thức bao nhiêu thì càng để cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, số lượng doanh nghiệp số của Việt Nam dưới 40.000. Hiện nay, Việt Nam đã tiến tới con số 75.000. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Doanh nghiệp chỉ mong muốn có nhiều việc, nhiều bài toán. Tôi mong muốn các Đại biểu Quốc hội, các cử tri, các doanh nghiệp hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn. Đó chính là cách tự lực, tự cường. Không còn cách nào làm doanh nghiệp này mạnh mẽ bằng cách là giao việc cho họ”.