Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực xây dựng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV và tại hội trường Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; tiếp nhận và trả lời 337 kiến nghị của cử tri, 25 ý kiến và chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi đến trực tiếp đến Bộ Xây dựng hoặc do Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện chuyển đến.
Các chất vấn của đại biểu Quốc hội và các cử tri tập trung vào các vấn đề nóng, có nhiều ảnh hưởng tới quyền lợi, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng; tập trung nhiều vào các chồng chéo, vướng mắc trong hệ thống pháp luật ngành xây dựng; các tồn tại, bất cập trong lập và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị; điểm nghẽn trong quản lý và phát triển đô thị (ngập úng, ách tắc giao thông); đầu tư xây dựng công trình và tình trạng vi phạm trật tự xây dựng; các chính sách nhà ở an sinh; quản lý và phát triển thị trường bất động sản… Đến nay, về cơ bản Bộ Xây dựng đã trả lời nghiêm túc, kịp thời và đảm bảo chất lượng các kiến nghị của cử tri và các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tính đến hết năm 2019, cả nước đã và đang thực hiện hỗ trợ 335.854 hộ người có công với cách mạng về nhà ở (gồm cả xây mới và sửa chữa), đạt 85,3%, trong đó, hoàn thành hỗ trợ cho 322.514 hộ, đang triển khai thực hiện hỗ trợ cho 13.340 hộ. Bộ Xây dựng đang đôn đốc các địa phương báo cáo số liệu để chuẩn bị cho Kế hoạch tổng kết thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg (dự kiến vào quý II/2020).
Thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết tháng 2/2020, 13 địa phương tham gia chương trình đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 18.400/21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 85% so với kế hoạch). Tổng số vốn đã giải ngân là khoảng 645 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 237 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 188 tỷ đồng và các nguồn vốn khác ước tính khoảng 220 tỷ đồng. Có 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Đà Nẵng; 6 tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều có tỷ lệ hoàn thành đạt trên 70%; riêng Thừa Thiên - Huế hoàn thành hỗ trợ đạt dưới 60%. Hiện nay, chương trình đã bước vào giai đoạn thực hiện cuối, Bộ Xây dựng đang đôn đốc các địa phương gấp rút thực hiện hỗ trợ để hoàn thành chương trình.
Đối với chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thống kê sơ bộ tại 28 tỉnh, thành phố, sau khi rà soát điều chỉnh lại Đề án thì tổng số hộ gia đình thuộc diện tham gia chương trình hiện giảm còn 244.500 hộ. Đến tháng 2/2020, đã có khoảng 104.000 hộ dân tại 56 tỉnh, thành hoàn thành xây dựng nhà ở vay vốn với dư nợ là 2.600 tỷ đồng (đạt 42,5% so với số lượng rà soát, điều chỉnh của các địa phương).
Với chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, đang triển khai giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện đồng bộ và phát huy hiệu quả chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long 2001-2015, đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho khoảng 60.000 hộ dân. Theo Quyết định này, các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn, rà soát số lượng hộ, số lượng dự án để thực hiện. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 714/QĐ-TTg về phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2020.
Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đến nay đã hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4,29 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 220 dự án, quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn, với tổng diện tích khoảng 8,98 triệu m2.
Trong đó, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 107 dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 44.810 căn hộ với tổng diện tích khoảng 2,24 triệu m2, đang tiếp tục triển khai 147 dự án, quy mô xây dựng khoảng 91.240 căn, với tổng diện tích 4,56 triệu m2. Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, với tổng diện tích hơn 2 triệu m2, đang tiếp tục triển khai 73 dự án với quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn, tổng diện tích 4,4 triệu m2.
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã giải ngân hết, từ cuối tháng 12/2016 đến nay, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã bị ách tắc. Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (221 dự án), trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế. Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do không thuộc danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương.
Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cấp thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội và cấp bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay một số nội dung còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại Nghị định trên để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo thủ tục rút gọn; tiếp tục đánh giá, tổng kết để đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực tiễn đất nước và thông lệ quốc tế.