Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Julie Bishop. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN |
Thưa bà Bộ trưởng, Việt Nam và Australia vừa chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược” tháng 3/2018 trong chuyến thăm Australia của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và trong tuần này, Việt Nam được đón Ngài Toàn quyền Australia Peter Cosgrove tới thăm. Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước? Tôi rất vui mừng được đến thăm Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam và đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của tôi trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Việc liên tục có các chuyến thăm song phương cấp cao giữa hai nước phản ánh sự gia tăng gần đây của mối quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký trong chuyến thăm chính thức tới Australia tháng 3 vừa qua. Điều này có nghĩa hai nước chúng ta đã công nhận và đặt nền tảng cho một quan hệ đối tác mạnh hơn bao giờ hết.
Trong chuyến thăm này, tôi sẽ đồng chủ trì cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trong những năm tới, cuộc họp này sẽ tạo một cơ hội thường xuyên để thảo luận về một loạt vấn đề chiến lược và những lĩnh vực hợp tác mới.
Sự can dự sâu sắc của Australia với Việt Nam cũng được thể hiện qua lịch sử hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong chuyến thăm này, tôi sẽ tham dự lễ khánh thành Cầu Cao Lãnh ở đồng bằng sông Cửu Long mà trong đó Australia cung cấp 160 triệu AUD, hoạt động viện trợ đơn lẻ lớn nhất của chúng tôi ở lục địa Đông Nam Á. Cây cầu sẽ tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho 5 triệu người sống ở khu vực xung quanh bằng cách giảm thời gian di chuyển và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân được tiếp cận các thị trường- thời gian di chuyển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Long Xuyên sẽ giảm từ 4 giờ xuống còn 2 giờ rưỡi.
Mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam được củng cố bởi các mối liên kết giữa người dân với người dân, với khoảng 300.000 người Australia gốc Việt Nam tại Australia, tạo ra những mối liên kết cá nhân và kinh doanh với Việt Nam. Tôi rất mong được gặp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp năng động Australia và Việt Nam, các doanh nhân và những ảnh hưởng của họ để nghe cách mà họ đang xây dựng những cầu nối của chính họ giữa hai nước.
Australia và Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch,... Theo bà, hai nước cần ưu tiên những lĩnh vực hợp tác nào và áp dụng sáng kiến gì để sự hợp tác song phương có thể tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của mỗi nước cũng như cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực?
Quan hệ đối tác chiến lược thiết lập một kiến trúc cấp bộ trưởng song phương mới, phản ánh mối quan hệ hiện đại và năng động giữa hai nước chúng ta. Điều này khiến hai nước tổ chức một loạt cuộc họp như Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao, Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng và Cuộc họp Đối tác Kinh tế. Những cuộc họp cấp bộ trưởng này sẽ cung cấp đường hướng cho sự can dự ngày càng tăng trên bề rộng của mối quan hệ, trong đó có các mối liên kết về quốc phòng và an ninh, thực thi pháp luật, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ, đổi mới, giáo dục, du lịch và kinh doanh. Sự hợp tác này sẽ là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế mạnh, hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Bà đánh giá như thế nào về sự hợp tác và phối hợp giữa Việt Nam và Australia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế?
Australia là đối tác lâu dài gần gũi với Việt Nam và chúng ta có những lợi ích khu vực hội tụ trong một loạt vấn đề ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và những tổ chức khu vực khác mà ASEAN làm trung tâm như Diễn đàn Khu vực ASEAN đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn mở, an toàn, bao gồm và thịnh vượng. Australia đã thể hiện cam kết của mình đối với một khu vực mạnh mẽ và kiên cường, và với ASEAN làm trung tâm, bằng cách tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia tại Sydney tháng 3 vừa qua.
Xin cảm ơn Bà Ngoại trưởng.