Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã có buổi làm việc với các cơ quan thông tấn, báo chí thường trú tại địa bàn đồng thời cho ý kiến chỉ đạo nhằm giúp các phóng viên thường trú làm tốt hơn nữa việc đưa tin chính xác và kịp thời về nước ngoài đến với Việt Nam, đồng thời đấu tranh với những thông tin sai lệch về Việt Nam, góp phần đưa thông tin chính thống về Việt Nam tới độc giả và công chúng ngoài nước.
Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã báo cáo với Bộ trưởng tình hình địa bàn, những thuận lợi và những khó khăn trong tác nghiệp báo chí cũng như quy định của nước sở tại về hoạt động báo chí. Theo các phóng viên, Pháp là một nước có lịch sử gắn bó với Việt Nam từ hàng trăm năm qua. Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng quan hệ giữa hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp với quan hệ đối tác chiến lược vừa được ký tháng 9/2013 nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hiện tại, hai nước đang tổ chức Năm giao lưu Việt-Pháp 2013 và 2014 với các hoạt động đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp gồm khoảng 400.000 người có truyền thống yêu nước, hướng về quê hương, đặc biệt là qua các hoạt động đấu tranh đòi giải phóng dân tộc thống nhất đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Pháp cũng là nước có tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu liên quan đến các vấn đề quốc tế lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao quà kỷ niệm cho đại diện Cơ quan thường trú TTXVN tại Pháp. Ảnh: Tiến Nhất |
Sau khi nghe báo cáo của đại diện các cơ quan, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, sự nhiệt tình và bản lĩnh của các phóng viên thường trú đã khắc phục các khó khăn khách quan nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao tại một địa bàn trọng điểm.
Bộ trưởng cũng cho rằng các quan hệ gắn bó trong quá khứ và việc nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược gần đây giữa hai nước Việt Nam và Pháp cũng như các chính sách và tiếng nói của Pháp đối với các vấn đề quốc tế là nguồn đề tài vô tận để phóng viên đưa tin thời sự, tổng hợp và nhận định để đưa ra các dự báo cũng như khai thác thông tin dưới góc độ lịch sử. Theo Bộ trưởng, bên cạnh các thông tin thời sự luôn các cơ quan truyền thông trong nước đón nhận và sử dụng kịp thời thì các đề tài lịch sử như Điện Biên Phủ, Hiệp định Paris, hoạt động của Bác Hồ trong những năm tìm đường cứu nước, phong trào của kiều bào hướng về đất nước trong gần một thế kỷ qua kể từ khi Bác Hồ thành lập Nhóm người An Nam yêu nước năm 1919 đến nay… là những việc làm có ý nghĩa lâu dài.
Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng thông báo trên thế giới có khoảng 50 đài phát thanh truyền hình nước ngoài có chương trình tiếng Việt và hơn 400 tờ báo và tạp chí nước ngoài phát hành bằng tiếng Việt. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi, tuy nhiên, cũng cần phải ngăn chặn các thông tin có dụng ý xấu vào Việt Nam bằng những con đường này. Trên thực tế, nhiều trang web và blog bằng tiếng Việt có máy chủ đặt tại nước ngoài đã lợi dụng môi trường Internet cởi mở của Việt Nam để chống phá Việt Nam bằng cách thông tin sai sự thật về tình hình đất nước, về việc điều hành và quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ… Chính vì vậy, Nghị định 72/2013 đã đưa ra những quy định hết sức kịp thời nhằm khuyến khích việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo các phóng viên thường trú phải tham gia tích cực hơn nữa vào việc kiểm chứng thông tin, giải thích và đấu tranh với những thông tin sai lệch thông qua các hoạt động nghiệp vụ và công tác đối ngoại nhằm cung cấp hình ảnh chân thực về đất nước. Theo Bộ trưởng, nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu sắc và toàn diện vào đời sống quốc tế, nhu cầu cung cấp thông tin hai chiều về Việt Nam ra thế giới và về thế giới vào Việt Nam là rất lớn, chính vì vậy, các cơ quan thông tấn, báo chí ngoài nước cần phát huy vai trò là cơ quan báo chí chủ lực của Đảng và Nhà nước, các phóng viên cần chủ động hơn nữa trong phát hiện và tiếp cận các vấn đề, nâng cao năng lực chuyên môn nhằm xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị nặng nề. Thông tin cần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao sự hiểu biết của người dân về tình hình thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam và góp phần tích cực vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bích Hà