Làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặc biệt là tác động của Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần một tháng triển khai thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều điểm sáng, đặc biệt đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kiên định lập trường Nghị quyết 128/NQ-CP
Thay mặt ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng các giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, hầu hết các đại biểu Quốc hội thống nhất, đánh giá cao Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Nhiều ý kiến đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc; công tác quản lý nhà nước về xây dựng và hoàn thiện thể chế... Các đại biểu cũng đưa ra nhiều điểm còn tồn tại, hạn chế; đồng thời gợi mở, đề xuất giải pháp hữu ích để Chính phủ có cách nhìn nhận cũng như điều chỉnh trong chỉ đạo điều hành thời gian tới.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ 4. Dịch bệnh đã xâm nhập vào các trung tâm kinh tế đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất với diễn biến rất phức tạp. Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn nên chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Do đó, đời sống của nhân dân cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, đã giảm mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đạt được 8/12 chỉ tiêu do Quốc hội giao; 4/12 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP đã phản ánh sát với tình hình thực tế của kinh tế-xã hội năm 2021. Trong bối cảnh hết sức khó khăn của quý III/2021, những kết quả đạt được trước hết nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội và chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nỗ lực, cố gắng phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương, địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an; tinh thần đoàn kết, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ kịp thời của bạn bè quốc tế. Đến nay, tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" là quyết định đúng đắn, kịp thời và quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế nhanh trong những tháng cuối năm 2021, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Từ công tác phòng, chống dịch về phát triển kinh tế, xã hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có nhiều bài học quý báu cũng như những điểm khiếm khuyết cần điều chỉnh kịp thời cho một tương lai bảo đảm phát triển an toàn, bền vững hơn. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện còn thiếu và yếu, dẫn tới lúng túng trước những diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ, địa phương, làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, sức mạnh, vai trò của hệ thống chính trị và người dân rất lớn; đồng thời cần kết hợp sự hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch.
Tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, số ca nhiễm có thể tăng lên, nhất là tại một số địa phương có độ bao phủ vaccine thấp. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kiên định và giữ vững lập trường của quan điểm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19"; không e ngại hay hoang mang, lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh, nhưng tuyệt đối không được lơ là hoặc chủ quan.
Hai nguyên nhân làm chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công
Làm rõ vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ Kế hoạch ngân sách Trung ương năm 2021, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 một lần, trước ngày 31/12/2020. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các chương trình, dự án cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, việc chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công tập trung vào hai nội dung chính. Thứ nhất, việc giao kế hoạch vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang trong giai đoạn phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, hiện chưa xong. Chính phủ chỉ đạo trong tháng 11, tháng 12 năm nay phải hoàn thành toàn bộ các thủ tục để có thể giao được vốn và thực hiện được ngay đầu năm 2022. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong tuần tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét thông qua định mức, tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ, trên cơ sở đó có thể giao chi tiết được ngay và có thể triển khai vào đầu tháng 12 năm nay. Hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 12 này để có thể triển khai ngay.
Thứ hai, việc phân bổ chi tiết của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể vẫn còn một phần vốn chưa thể bổ sung cho các dự án khởi công mới năm 2021. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê chuẩn quyết định đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm đủ căn cứ để giao kế hoạch chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với phần vốn chưa phân bổ, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện đầy đủ các thủ tục và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ theo quy định của Nghị quyết 29 của Quốc hội.
Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, báo cáo Chính phủ đã nêu rõ các nguyên nhân chậm giải ngân đã tồn tại từ lâu như chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, năng lực của Ban quản lý, năng lực nhà thầu... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, riêng năm 2021 còn có một số lý do đặc thù. Đây là năm tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự mới. Đây cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công 2019; do vậy chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022 mới thực hiện được. Bên cạnh đó, do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến ảnh hưởng tiến độ; giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.
Liên quan đến sửa đổi các luật về pháp luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư nêu rõ, được phép của Quốc hội, Chính phủ đang hoàn thiện dự án Luật để sửa đổi 10 luật, trong đó giải quyết tất cả những vấn đề vướng mắc trong Luật Đầu tư công; từ đó phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ. Về giải phóng mặt bằng, Chính phủ đang trình Quốc hội đề án, trong thời gian tới sẽ tách giải phóng mặt bằng và tái định cư thành một đề án riêng để cho phép thực hiện trước, đảm bảo rút ngắn thời gian, tiến độ để thực hiện dự án.