Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong chuỗi sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Việt Nam đã có buổi hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong. Ảnh: moit.gov.vn

Tại buổi hội kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết mục đích, ý nghĩa của chuyến công tác lần này nhằm triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất là kết quả chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm.

Tại Trung Quốc, Đoàn công tác Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã cùng Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc trao đổi, thảo luận mở ra những phương hướng hợp tác mới cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Bên cạnh đó, tổ chức Lễ hội Trái cây Việt Nam từ 29 - 30/9/2024 tại Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh để mở ra cơ hội hợp tác giao thương cho doanh nghiệp hai nước. Qua lễ hội, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã thống nhất mở gian hàng trưng bày nông, lâm thủy sản thực phẩm của Việt Nam tại Trung tâm này để giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng Trung Quốc.

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cũng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc. Tại đây, hai bên thống nhất, cụ thể hóa bản ghi nhớ hợp tác được hai Bộ ký kết hồi tháng 8/2024 vừa qua. Đồng thời thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên giữa hai bộ, hai nước để thúc đẩy phát triển công nghiệp; trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử, năng lượng mới và cả công nghiệp hàng không vũ trụ...

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong các buổi làm việc, hai bên thống nhất đánh giá, Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác hợp tác kinh tế thương mại hàng đầu của nhau. Trung Quốc 20 năm liền là đối đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và ở chiều ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là quốc gia có quy mô thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới năm 2023.

8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 130,8 tỷ USD, tăng 23,7%, tiếp tục chiếm khoảng 25,5% ngoại thương của Việt Nam. Về đầu tư, trong 8 tháng năm 2024, Trung Quốc là thị trường cung cấp vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 tính về số vốn (1,65 tỷ USD) và đứng đầu về số dự án mới (chiếm 29,5%) tại Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa hai nước.

“Hai nước Việt Nam - Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông có vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang trong quá trình đàm phán nhiều FTA khác, thông qua Việt Nam, Trung Quốc có thể tiếp cận đến các thị trường FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và kêu gọi phía Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Việt Nam.

Để thực hiện ý tưởng của lãnh đạo cấp cao hai nước và các văn bản ghi nhớ đã ký kết giữa các bộ, ngành địa phương của hai quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Quốc vụ viện Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện đưa nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc.

“Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương cảm ơn Chính phủ và cơ quan liên quan Trung Quốc đã tạo điều mở cửa thị trường cho nhiều nông sản của Việt Nam như: tổ yến, sầu riêng tươi và mới đây là sầu riêng đông lạnh. Phía Việt Nam mong muốn được tiếp tục quan tâm thúc đẩy mở rộng nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam theo nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với nông sản, trái cây có thế mạnh của Việt Nam. Cụ thể như các quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả), đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống để hàng nông sản Việt Nam có cơ hội nhiều hơn đến tay người tiêu dùng Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị và cam kết, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hàng hóa, nông sản Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, kiến nghị Trung Quốc hỗ trợ xây dựng thương hiệu một số sản phẩm, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (sản phẩm sữa, nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến…); đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các địa phương nội địa, hệ thống bán lẻ cũng như các sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Ngoài ra, đề nghị phối hợp tạo thuận lợi và phân luồng thông quan hiệu quả giữa cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng hàng hóa chỉ tập trung vào một số cửa khẩu nhất định gây ùn ứ cục bộ, nhất là với nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, kiến nghị Quốc vụ viện Trung Quốc hỗ trợ thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, trước mắt là tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Vừa qua, Bộ Công Thương và Chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại; trong đó, phía Hải Nam đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, Hải Nam. 

“Đề nghị Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn tất các thủ tục liên quan để hai bên có thể tuyên bố thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Nam trong chuyến thăm cấp cao sắp tới của lãnh đạo Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường liên kết và đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp giữa hai nước; thúc đẩy các doanh nghiệp tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Trung Quốc tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).

Chào mừng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hà Lập Phong cho biết, tháng 7/2024 Trung Quốc vừa tổ chức thành công Hội nghị Trung ương III khóa XX, đây là kỳ họp vô cùng quan trọng, đưa ra hàng trăm biện pháp cải cách nền kinh tế. Mỗi lần cải cách đều là một bước tiến mới, mở ra những thời cơ, vận hội mới cho Trung Quốc.

“Tôi tin tưởng rằng, sau Hội nghị Trung ương III khóa XX, không chỉ quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc - Việt Nam mà quan hệ giữa Trung Quố với các nước trên thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích to lớn cho mỗi bên”, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hà Lập Phong nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Hà Lập Phong nhận định, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, toàn diện và ngày càng đi vào thực chất. Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn hàng nông sản từ thị trường châu Á, và khu vực ASEAN; trong đó, nông sản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần. Trái cây Việt Nam như thanh long, sầu riêng... được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng; phía Trung Quốc ủng hộ nhập khẩu những mặt hàng nông sản mà người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

Tới đây, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội chợ nhập khẩu lần thứ 7 tại Thượng Hải. Đây là sáng kiến do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khởi xướng, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể tham gia. Hội chợ thể hiện quyết tâm của Chính phủ, nhân dân Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường, giao thương quốc tế. Thông qua Hội chợ, doanh nghiệp Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao đến người tiêu dùng Trung Quốc và các thị trường đối tác tham dự.

Liên quan đến đề xuất thúc đẩy hợp tác trong giao thông đường sắt, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cho biết, phía Trung Quốc luôn quan tâm và sẵn sàng ủng hộ, nhưng quan trọng, hai bên cần nghiên cứu tính khả thi trong quá trình xây dựng các tuyến đường để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

“Đề nghị các đồng chí thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã thống nhất tại Kỳ họp 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Trong quá trình triển khai, nếu có vấn đề vướng mắc, hai bên cần trực tiếp trao đổi, để kịp thời thời tháo gỡ, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc ổn định, phát triển lâu dài”, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong nhấn mạnh.

Bày tỏ cảm ơn trước những góp ý từ Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ nỗ lực và làm tốt việc phối hợp để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại công nghiệp giữa hai nước. Qua đó, góp phần làm sâu sắc, chất lượng và bền vững hơn hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam và Trung Quốc, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế mỗi nước.

Uyên Hương (TTXVN)
Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế, Thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế, Thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Sáng 29/9, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN