Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xoay quanh nội dung này.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bộ trưởng cho biết quan điểm xây dựng Nghị định này?
Như chúng ta đã biết, thời gian qua có tình trạng cán bộ né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định này là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Qua đó, động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Quan điểm chỉ đạo khi xây dựng Nghị định là phải quán triệt và thể chế hóa nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nhất là Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, yêu cầu thực tiễn và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và bảo đảm chặt chẽ, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình tổ chức thực hiện giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Phát huy được vai trò tiên phong của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; mạnh dạn chỉ đạo thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn.
Hành lang pháp lý để cán bộ dám nghĩ, dám làm
Nhiều người cho rằng, quy định bảo vệ cán bộ là nội dung khó, những quy định này được xây dựng dựa trên những nghiên cứu, đánh giá như thế nào để bảo đảm rằng cán bộ sẽ yên tâm dám nghĩ, dám làm, thưa bà?
Đúng như vậy! Việc nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó có các quy định về bảo vệ cán bộ là nội dung mới và rất khó. Song chúng ta thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, chúng tôi đã nghiên cứu đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là quan điểm, chủ trương về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay (Kết luận số 14-KL/TW). Đồng thời, chúng tôi căn cứ vào cơ sở thực tiễn thời gian qua, khi hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc có thể bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định đổi mới, sáng tạo có sai sót. Từ đó, chúng tôi đưa ra những giải pháp phù hợp, có tính khả thi.
Nhằm tạo hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, đồng thời góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi, trong Nghị định đã quy định cụ thể về nguyên tắc, điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo; chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và trách nhiệm của cán bộ, cơ quan trong đề xuất và thực hiện đề xuất. Theo đó, trên cơ sở xem xét, đánh giá kết quả thực hiện đề xuất của cán bộ, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan,... cán bộ sẽ được áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp (có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật).
Nghị định quy định cán bộ khi có đề xuất đổi mới, kế hoạch hoặc đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì được khuyến khích bằng các hình thức như được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Quy định này đồng bộ với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về đánh giá, xếp loại và kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, về quản lý người giữ chức danh, người đại diện phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp… để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng và phù hợp với tình hình thực tiễn. Các nghị định này cùng với Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Quá trình thực hiện Nghị định, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ sơ kết, tổng kết để nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các quy định của Nghị định; đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền rà soát hệ thống thể chế, chính sách, nhất là văn bản pháp luật, báo cáo đề xuất Quốc hội sửa đổi các luật liên quan như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hơn nữa các chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trên thực tế, khả năng lợi dụng cơ chế bảo vệ cán bộ để tham nhũng, trục lợi vẫn có thể xảy ra, vậy theo bà cần giải pháp gì để có thể ngăn chặn?
Tại Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Đảng ta đã nêu rõ việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được xử lý nghiêm. Hiện nay, chúng ta thấy rất rõ việc phát hiện và xử lý các sai phạm là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Nghị định của Chính phủ đã quy định một trong những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm là: Lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặc dù các văn bản của Đảng và Chính phủ đã có quy định về việc xử lý cán bộ trong việc lợi dụng chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ nhưng trên thực tế thi hành pháp luật, vẫn có thể xảy ra khả năng lợi dụng cơ chế bảo vệ cán bộ để tham nhũng, trục lợi.
Để ngăn chặn tình trạng này, tôi cho rằng, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên công chức, viên chức trong tổ chức thực hiện Kết luận số 14-KL/TW và quy định tại Nghị định này; nhất là trách nhiệm của người thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo trong việc báo cáo trung thực, kịp thời về tình hình và kết quả tổ chức thực hiện.
Thứ hai là phải tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện, trong đó, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc đánh giá, phê duyệt đề xuất và thẩm định kết quả; hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đánh giá và định kỳ sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện, cũng như phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tấn, báo chí đối với quá trình thực hiện đề xuất của cán bộ.
Với trách nhiệm của cơ quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, chúng tôi rất mong nhận được những thông tin phản ánh của báo chí về những trường hợp có biểu hiện nêu trên để kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp.
“Cơ chế đặc biệt” trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ
Thưa Bộ trưởng, Nghị định của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung đã mở ra những cơ chế đặc biệt gì để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo?
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là chủ trương luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Thể chế hóa các quy định của Đảng, Nghị định của Chính phủ đã đưa ra 05 nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Trong đó, Nghị định khẳng định: Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định.
Theo đó, Nghị định đưa ra các biện pháp bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo trong các trường hợp cụ thể. Đó là: Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung sẽ được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định của Nghị định từ nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ; điều kiện áp dụng chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ; những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ; trình tự, thủ tục đề xuất đổi mới sáng tạo, trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ và đặc biệt, quy định về đánh giá kết quả thực hiện đề xuất… đã thể hiện rõ nét, xuyên suốt và nhất quán cơ chế bảo vệ đối với cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Đồng thời, Nghị định giao cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với các trường hợp này.
Đây có thể nói là những quy định góp phần khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định “cơ chế đặc biệt” trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đó là, một trong những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm là “Xử lý trách nhiệm đối với cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện đề xuất đã được đánh giá là hoàn thành”.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!