Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu ý kiến: "Bộ Chính trị có quyết định giao giai đoạn từ năm 2022 - 2026 bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên. Tuy nhiên năm 2022 - 2023, tình trạng thiếu giáo viên rất lớn, thậm chí có nơi không tuyển được giáo viên THPT vì chưa có sinh viên ra trường, không đáp ứng được công tác giảng dạy, nhất các tỉnh có số học sinh tăng cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể thực hiện vấn đề này? Hiện nay có nghịch lý, Chính phủ xây dựng lương tối thiểu vùng thấp nhất 3,25 triệu đồng, trong khi tôi rất quan tâm đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp lương họ chưa được 3 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng. Giải pháp gì để giữ chân những người này, tuyển người mới, vì lương thấp cũng là nguyên nhân không tuyển được nhân viên khu vực này".
Trả lời đại biểu Đỗ Huy Khánh, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất, tiền lương vùng 1 là 4, triệu đồng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng đồng. “Lương nhân viên, tính cả phụ cấp công vụ 25% thì chỉ hơn 3,464 triệu đồng, đúng là thấp hơn lương tối thiểu vùng như đại biểu Khánh phản ảnh”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng tăng 20,8%. Đương nhiên, đối tượng đại biểu Khánh đề cập, cũng thuộc diện được điều chỉnh.
“Nếu điều kiện đất nước trong năm 2022 và những năm tới ổn định, tăng trưởng tốt, chúng ta thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đương nhiên đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng, thì sẽ đảm bảo cho tất cả các đối tượng hài hòa, công bằng, hợp lý”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt vấn đề trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là thuật dùng người và cũng là quy luật trị quốc muôn đời, từ trước đến nay. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành kết luận 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. "Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng để biến chủ trương này thành pháp luật, tức là biến thành các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung đối với toàn bộ máy nhà nước?", đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ luôn quan tâm đến vấn đề trọng dụng nhân tài gắn với khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. "Chúng ta đều biết, trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về thu hút và trọng dụng nhân tài đã được thể hiện rõ trong các nghị quyết, văn kiện, chỉ thị, các kết luận. Đại hội XIII của Đảng vừa qua cũng đã nhấn mạnh vấn đề này", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, chúng ta cũng nhìn ra thế giới, nhiều nước đã làm nên kỳ tích của sự phát triển đất nước bằng chính nhân tài, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều rất chú trọng đến vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 86, cụ thể hoá, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 140. Chúng ta triển khai thực hiện thời gian chưa nhiều, từ năm 2018 đến nay, đã thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Điều quan trọng là tất cả các địa phương đều rất chú trọng vấn đề này. Điển hình là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương khác.
Nhiều địa phương đã căn cứ chủ trương của Đảng, thông qua HĐND xây dựng hệ thống chính sách rất phù hợp để thu hút và trọng dụng nhân tài. Các địa phương đã thu hút được sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ gần 3.000 người làm việc cho khu vực công. Nhưng rõ ràng con số này còn quá ít ỏi.
Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án quốc gia về chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài, theo đó sẽ có một cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn. Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ cũng đôn đốc để năm tới có được 1 nghị định tổng thể, bao quát, trong đó có cả tinh thần của Nghị định 140, để chúng ta có bộ chính sách để thu hút để thu hút, trọng dụng nhân tài. Cùng với đó, đương nhiên việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Đây là việc các đại biểu rất mong đợi, vì chúng ta chưa có cơ chế này, chưa có hành lang pháp lý để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong khi hệ thống thể chế còn có mặt chưa thực sự đồng bộ, có vấn đề còn xung đột với nhau, chưa bảo đảm đủ các yếu tố để cán bộ làm. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang tập trung xây dựng một nghị định để cụ thể hoá kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng thời gian qua không ít cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận.
“Với tư cách tư lệnh ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng trong công tác cán bộ thuộc thẩm quyền về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xin Bộ trưởng cho biết nhận xét vấn đề này, đâu là nguyên nhân và giải pháp?”, Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã xử lý kỷ luật 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có trường hợp phải xử lý hình sự.
Với cán bộ, công chức, viên chức, đã xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong số này cũng người xử lý hình sự.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật chiếm 1% trên tổng số cán bộ công chức, viên chức. “Đây cũng là con số lớn nhất từ trước đến này”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết. Từ thực trạng này, Bộ trưởng Trà cho rằng, thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm theo tinh thần tăng cường và chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm quy định phòng chống tham nhũng và thực hiên nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ.
Bộ Nội vụ cũng sẽ tham mưu, ban hành nghị định về đạo đức công vụ để siết chặt hơn nữa kỹ cương đạo đức công vụ. Theo Bộ trưởng Trà, điều này nhằm bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng với các quy định của Nhà nước xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên công chức, viên chức trong sạch, phục vụ nhân dân.