Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Yêu cầu các địa phương kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu

Tại phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia yêu cầu các Sở Công Thương, quản lý thị trường địa phương kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu trên địa bàn.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 15/8. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Nhìn nhận lại vụ Trịnh Sướng buôn bán xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thực tế công tác kiểm tra quản lý nhà nước có sự phối hợp của các lực lượng. Song, sự phối hợp này ở các địa phương chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là thực thi chức năng của các đơn vị, trong đó có xăng giả.

Liên quan đến mặt hàng xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến quy định trong Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế. Quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Ngay cả việc phối hợp cũng không đảm bảo thực hiện được hết trên toàn bộ địa bàn do sự yếu kém của lực lượng địa bàn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sau khi công an tổ chức điều tra vụ điều chế xăng giả, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật.

“Kế hoạch đảm bảo chất lượng xăng dầu ở tại địa bàn, địa phương phải được làm chặt hơn nữa với trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, bao gồm Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Đối với vấn đề nhập nhèm xuất xứ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã bước đầu hoàn thiện dự thảo thông tư Made in Vietnam và công bố để xin ý kiến phản biện. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ theo đúng quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng tại phiên họp, trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt vấn đề, để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, dư luận cho rằng nên thực hiện theo mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ rất hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. “Đây là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm thí điểm. Sau khi thí điểm Chủ tịch đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và các đồng chí cán bộ Trung ương đến địa bàn Hậu Giang xe buýt đưa thực hiện tốt thì chúng tôi nghiên cứu nhân rộng ra chứ không áp dụng đại trà ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
V.Tôn/Báo Tin tức
Bộ trưởng Tô Lâm: Tiếp tục tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen
Bộ trưởng Tô Lâm: Tiếp tục tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nạn tính dụng đen tại phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng tình hình hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho dân nhân. Gần đây xuất hiện thực trạng cho vay qua internet, hoạt động này có thể biến tướng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN