Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết, từ năm 2021 đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành 24 quyết định, công bố bãi bỏ 62 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 40 thủ tục hành chính và công bố mới 33 thủ tục hành chính. Tính đến ngày 23/5, Bộ Y tế công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và đang áp dụng là 504 thủ tục hành chính.
Hàng năm, Bộ Y tế đều ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Ngoài việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thường xuyên, Bộ Y tế đã lựa chọn lĩnh vực để tổ chức rà soát, đánh giá chuyên đề. Trong năm 2021 - 2022, Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá và dự thảo Báo cáo rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, dược phẩm.
Năm 2021, Bộ Y tế thông qua phương án đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng. Năm 2022, thông qua phương án đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện nay, các đơn vị của Bộ đang tổ chức triển khai các nhiệm vụ rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2023 theo kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Đánh giá của Văn phòng Chính phủ cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số hạn chế như nhiều quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ công bố quá thời hạn quy định; nhiều thủ tục hành chính (dịch vụ công) đã có quyết định bãi bỏ vẫn được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ. Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận thực tế và số lượng hồ sơ giải quyết quá hạn lớn hơn số liệu trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế rất nhiều.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho hay, Bộ Y tế chậm triển khai các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Bộ thông qua. Việc tổ chức triển khai thực hiện các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt chưa được Bộ quan tâm đúng mức…
Cho rằng người dân còn kêu ca nhiều về các quy định thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đặc biệt lưu ý đến câu chuyện đấu thầu thuốc, vật tư y tế thời gian qua, khi đặt ra các quy định gây nhiều khó khăn cho công tác này; việc tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến phản ứng chính sách của Bộ ở một số cơ quan còn chậm, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng, trên diện rộng.
Bên cạnh đó, việc cải cách quy định, thủ tục hành chính còn chậm, chưa quyết liệt, nhiều quy định còn bất cập gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (chậm ban hành hướng dẫn về đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế). Việc thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, quy định phân cấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa được quan tâm triển khai, không bảo đảm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp (62 quy định quá hạn, 69 thủ tục hành chính có phương án phân cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được thực thi); chậm trễ trong việc thống kê, công bố, công khai và rà soát thủ tục hành chính nội bộ (theo yêu cầu phải hoàn thành trước 1/4/2023)…
Báo cáo rà soát quy định về lựa chọn giá trong xây dựng hồ sơ đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại bệnh viện công do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ Văn phòng Chính phủ thực hiện thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) cũng đã chỉ ra nhiều điểm bất cập trong quy định về giá tối đa, về tham khảo giá trong vòng 12 tháng trước được công khai trên Cổng thông tin điện tử, thiếu rõ ràng trong các quy định về giá tham chiếu... Các quy định này là cứng nhắc, không phù hợp với biến động thị trường, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19 hoặc tình hình lạm phát cao trong nước và trên thế giới, tạo ra nhiều khó khăn, rủi ro cho cơ sở y tế công lập trong mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị Bộ Y tế rà soát, cắt giảm thực chất các quy định thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phản ứng chính sách, đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ngành Y tế. Bên cạnh việc đưa ra các phương án cắt giảm, cần quan tâm kiểm tra việc thực thi các phương án đơn giản hóa, để các phương án này được triển khai trên thực tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ Y tế kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; hoàn thành thực thi các phương án cải cách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra. Quan tâm thống kê chính xác, đầy đủ và cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính nội bộ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của ngành y tế.
Tích cực thực hiện tham vấn các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về quy định kinh doanh; đồng thời, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh
Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng phản ứng chính sách. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, trong đó tập trung số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao tỷ lệ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm tối thiểu 20% thủ tục hành chính và mẫu đơn, tờ khai, bảo đảm thủ tục hành chính thuận lợi, đơn giản, dễ thực hiện.
“Phải kiểm soát thủ tục, đưa vào quy chuẩn, không để tình trạng cắt thủ tục, quy định này lại mọc ra các thủ tục, quy định khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.