Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến giữa tháng 9 này, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (TTCP) ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 3.248 thủ tục hành chính (TTHC), đạt % trong tổng số TTHC phải đơn giản hóa.
Cùng với kết quả bước đầu của Đề án 30, việc triển khai cơ chế một cửa, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, công tác kiểm soát TTHC đã và đang từng bước trở thành công cụ quan trọng của Chính phủ, TTCP trong việc xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân và hiện đại. Bên cạnh đó, việc Chính phủ, TTCP và các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát TTHC và kiện toàn bộ máy chuyên trách làm công tác này đã đưa cải cách TTHC đi vào chiều sâu, cụ thể hóa tư tưởng, quan điểm chỉ đạo về cải cách TTHC nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác cải cách TTHC. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cấp lãnh đạo chưa thấy hết vai trò công tác cải cách TTHC trong việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị. Nhiều trường hợp còn bảo thủ, cố tình níu kéo, duy trì các quy định cũ, không nhiệt tình với công cuộc cải cách. Sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn, do vậy việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo 25 Nghị quyết của Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ. Ở nhiều nơi vẫn chưa làm tốt việc niêm yết công khai đầy đủ TTHC tại nơi giải quyết TTHC. Cán bộ, công chức chưa giải quyết đúng các quy định về TTHC, gây khó khăn, phiền hà cho dân.
Mai Phương