Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu trước 18 giờ ngày 6/9 phải di dời các hộ dân sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các cấp, các ngành hoãn các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng, chống bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu…
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 15 giờ ngày 5/9 trên địa bàn có 995 tàu thuyền với gần 3.000 lao động làm ăn trên biển; trong đó có 151 phương tiện/393 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 19 phương tiện/139 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 776 phương tiện/2.147 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh và 49 phương tiện/271 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển ở hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải cần di dời trước bão và 18.639 người sống trong nhà yếu cần có phương án di dời đến các khu vực kiên cố trước khi bão đổ bộ.
Đến ngày 5/9, toàn tỉnh có 74.327 ha diện tích lúa mùa đã gieo cấy, trong đó khoảng 26.000 ha diện tích lúa đã trỗ bông, khoảng 5.000 ha diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch (đạt 58% diện tích đã trồng). Để giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp do bão gây ra, tỉnh Thái Bình chỉ đạo khẩn trương thu hoạch diện tích rau màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.
* Trước diễn biến của bão số 3, tỉnh Hải Dương cũng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương, ảnh hưởng do siêu bão số 3 gây ra với Hải Dương là phạm vi toàn tỉnh với cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3. Dự báo từ đêm 6/9, lượng mưa phổ biến tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà ở mức 200 - 300mm; các huyện Thanh Miện, Bình Giang, Gia Lộc, Cẩm Giàng lượng mưa 200 - 350 mm. Từ sáng sớm ngày 7/9, Hải Dương có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9; có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các vùng như Chí Linh, Kinh Môn.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết, đến ngày 5/9, đơn vị đã chủ động gạn tháo nước đệm, 166 trạm bơm tiêu đã sẵn sàng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng gạn tháo nước và sẵn sàng cho việc tiêu nước từ các kênh nhánh. Các điểm xung yếu trên hệ thống 292 km bờ kênh Bắc Hưng Hải đều đã được công ty đánh giá và phối hợp với các huyện xây dựng phương án xử lý tình huống cụ thể.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hải Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 12.455 ha nuôi thủy sản; trong đó, có khoảng 8.000 lồng cá trên sông. Lãnh đạo các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Ninh Giang, thành phố Hải Dương có nuôi cá lồng trên sông cho biết, các địa phương đã triển khai thông báo đối với các hộ nuôi cá lồng để chủ động các biện pháp ứng phó với bão, bảo vệ lồng cá. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương vận động người dân thu hoạch hoa màu với phương châm xanh nhà hơn già đồng; bảo đảm an toàn các công trình xung yếu; sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; bảo vệ an toàn cá lồng trên sông.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các điểm xung yếu. Các công ty thủy lợi chủ động gạn tháo nước các hồ đập, điều tiết mực nước các sông trục. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ động kiểm tra, đôn đốc các địa phương được phân công phụ trách. Bộ chỉ huy quân sự, công an tỉnh sẵn sàng phương tiện, nguồn lực; khuyến cáo các chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bão. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành lập đoàn công tác kiểm tra cơ sở trong công tác phòng chống thiên tai…
* Chiều 5/9, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện, thành phố thuộc tỉnh triển khai thực hiện phương án phòng chống thiên tai năm 2024, chủ động ứng phó với cơn bão số 3 đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo đó, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh bảo diễn biến của cơn bão số 3, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Các địa phương triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và rà soát địa bàn, khu vực, vận động người dân thực hiện chằng chống nhà cửa, kho tàng; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi đi tham quan trên các đảo trong những ngày xảy ra mưa, bão.
Bên cạnh đó, các địa phương tập hợp lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có thiệt hại xảy ra, đặc biệt quan tâm thực hiện ứng phó kịp thời tình hình ngập úng tạm thời do mưa lớn đối với lúa vụ Hè Thu, Thu Đông 2024 và cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Mặt khác, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chủ động vận hành hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn để tiêu thoát nước, chống ngập úng, nhất là tại những khu vực trũng thấp.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về bão; chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống ảnh hưởng bão xảy ra để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.