Bão Tembin được dự báo sẽ đổ bộ thẳng vào đất liền khu vực Nam Bộ, tuy nhiên, bão Tembin cuối cùng đã không chỉ lệch hướng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, mà còn suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Đến sáng hôm qua (26/12), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phát đi bản tin cuối cùng về cơn bão Tembin (cơn bão số 16 trên biển Đông). Theo đánh giá của các chuyên gia, bão Tembin là một cơn bão dị thường và hiếm có trên Biển Đông.
Nói về diễn biến cơn bão số 16 và công tác dự báo, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo hạn vừa hạn dài Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, từ 1h ngày 20/12, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) phía đông nam Philippines mạnh lên thành bão (có tên quốc tế là Tembin), đây là cơn bão thứ 27 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vào thời điểm này, đồng loạt các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều phát bản tin dự báo về cơn bão này. Đến 7 giờ ngày 21/12, sau khi cơn bão di chuyển vào Nam Philippines thì Việt Nam đã phát bản tin bão gần Biển Đông.
Thời điểm dự báo lúc 7 giờ sáng ngày 21/12 của Việt Nam (trái) và các Trung tâm dự báo quốc tế (phải). Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. |
Lúc này, dự báo của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) đều cho rằng bão số 16 sẽ đổ bộ và đất liền nước ta với sức gió mạnh nhất cấp 10-11. Khu vực đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp là Nam Bộ. Dự báo của Việt Nam cũng cho rằng bão số 16 hướng về Nam Bộ.
Dự báo xu thế cường độ bão của Việt Nam và các nước đều thống nhất bão sẽ mạnh dần lên và đạt cường độ mạnh nhất khi đi và quần đảo Trường Sa, sau đó sẽ yếu dần. Thực tế bão số 16 có diễn biến đúng như vậy.
Khi bão đi vào quần đảo Trường Sa, các nước xác định bão có sức gió mạnh nhất đến cấp 12-13, giật trên cấp 15. Do có các số liệu quan trắc bề mặt ở các trạm đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và các trạm Huyền Trân, DK1/7, DK1/19 nên Việt Nam đã khẳng định bão có sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong cơn bão 16 Tembin, dù gió mạnh, nhà trạm tại trạm Khí tượng thủy văn bị gió bão cuốn bay, sóng biển, nước biển dâng ngập nhà trạm 1m, nhưng do chủ động phương án chống bão nên quan trắc viên của trạm đã liên tục thực hiện quan trắc 30 phút/ca, từ đêm 24 đến ngày 25/12 truyền trực tiếp số liệu về Trung ương để phục vụ việc ra bản tin dự báo bão số 16 kịp thời.
Khi bão đi qua khu vực này về phía Tây, do Việt Nam có số liệu quan trắc ở bề mặt nên việc xác định cấu trúc bão, cường độ bão phù hợp thực tế hơn các nước và do đó dự báo thời điểm bão suy yếu sớm hơn và tốc độ suy yếu nhanh hơn các dự báo của các nước.
Cụ thể vào trưa 25/12, Nhật Bản dự báo bão ở cấp 12, giật cấp 15, sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật 14 và sau đó ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Việt Nam xác định vào thời điểm đó bão cấp 10-11, giật cấp 13 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió cấp 9, giật cấp 12 và sẽ ảnh hưởng đất liền với sức gió cấp 8, giật cấp 11.
Đến đêm 25/12, hầu hết các Trung tâm quốc tế đều xác định bão số 16 ở mức cấp 8 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, Việt Nam xác định bão số 16 đã suy yếu thành ATNĐ và sẽ tiếp tục suy yếu nhanh trong các giờ tiếp theo và chỉ có thể gây gió giật mạnh cho đất liền.
Sáng sớm 26/12, khi đi vào sát bán đảo Cà Mau, ATNĐ suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Dựa trên cơ sở quan trắc được từ các trạm khí tượng trên đảo cũng như trên bờ, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã chính thức phát bản tin cuối cùng về cơn bão số 16 (Tembin) vào lúc 9 giờ sáng 26/10.
Người già sống trên khu vực Cồn Sơn, quận Bình Thủy được chính quyền Cà Mau ưu tiên sơ tán vào đất liền đầu tiên nhằm chủ động phòng tránh bão Tembin. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN |
Nhận định chung là các Trung tâm lớn trên thế giới đều dự báo tốt bão số 16 về quỹ đạo và cường độ từ khi đi qua Philippines, vào Biển Đông đến khi đi vào quần đảo Trường Sa. Đến lúc này bão di chuyển khá ổn định và cường độ tăng dần lên.
Tuy nhiên, tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão sau đó, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão. Do có các trạm đo ở khu vực Biển Đông nên Việt Nam xác định vị trí, cường độ bão sát với thực tế cơn bão. Tính tổng thể cả cơn bão 16, độ tin cậy về dự báo cũng tương tự như các nước khác.