Với đặc thù có đông đồng bào công giáo, sau khi sáp nhập xã Tráng Liệt và thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang) thành thị trấn Kẻ Sặt, sáng 1/12, HĐND thị trấn Kẻ Sặt đã tổ chức kỳ họp thứ nhất, bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND… với tỷ lệ tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND thị trấn.
Theo Nghị quyết 788/NQ-UBTVQH14, thị trấn Kẻ Sặt gồm nhập toàn bộ 2,33 km2 diện tích tự nhiên, 4.294 người của xã Tráng Liệt vào thị trấn Kẻ Sặt. Sau khi nhập, thị trấn Kẻ Sặt có 3,02 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.359 người, với trên 60% là đồng bào công giáo.
Ông Lê Thọ Dương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt cho biết: Sáp nhập địa giới hành chính cấp là chủ trương lớn của Đảng nhằm từng bước sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện chủ trương này, chính quyền 2 địa phương đã triển khai theo đúng tuần tự các bước như lập, niêm yết danh sách cử tri, tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng phiếu tại gia đình... Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hầu hết số người được lấy ý kiến đồng tình với chủ trương sáp nhập.
Ông Lê Thọ Dương đề nghị, ngay sau kỳ họp thứ nhất, HĐND thị trấn cần khẩn trương kiện toàn các chức danh cán bộ, công chức của đơn vị để đi vào hoạt động; bố trí các vị trí, chức danh cán bộ, công chức của thị trấn theo khung vị trí việc làm, năng lực, sở trường và trình độ nghiệp vụ của từng người.
Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Giang đã công bố Quyết định thành lập Đảng bộ thị trấn Kẻ Sặt, chỉ định 22 đồng chí tham gia Ban chấp hành; 4 đồng chí vào Ban Thường vụ và giữ các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Hùng, Hải Dương có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc sắp xếp là 55 đơn vị, gồm: 27 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp; 22 đơn vị có liên quan liền kề; 6 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp; trong đó có 15 đơn vị thực hiện nhập 3 đơn vị thành 1 đơn vị hành chính mới, 40 đơn vị thực hiện nhập 2 đơn vị thành 1 đơn vị hành chính mới. Sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã của Hải Dương sẽ chỉ còn 235 đơn vị, giảm 30 đơn vị.
Cùng với đó, sau khi sắp xếp, có 440 cán bộ, công chức dôi dư so với quy định. Cụ thể, 217 cán bộ, công chức nghỉ công tác khi sắp xếp, gồm 84 người nghỉ hưu đúng tuổi và 133 người nghỉ hưu trước tuổi. Có 223 người dôi dư sau khi sắp xếp và giải quyết chế độ. Hải Dương sẽ vận dụng tối đa chính sách để hỗ trợ cho các cán bộ, công chức cấp xã sau khi tiến hành sắp xếp các xã. Bên cạnh những chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của Chính phủ, tỉnh Hải Dương cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ thêm để khuyến khích, động viên cán bộ, công chức cấp xã nghỉ công tác do sắp xếp, giảm đơn vị hành chính cấp xã.
Mới đây, trong một cuộc kiểm tra việc chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND các xã mới thành lập, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển lưu ý lãnh đạo các xã cần chủ động bố trí, sắp xếp cán bộ, chuẩn bị điều kiện cho hoạt động của các đơn vị hành chính mới. Đảng ủy, UBND các xã mới cần tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định việc sáp nhập xã được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân...
Trước đó, UBND cấp huyện đã tổ chức công bố Nghị quyết số 788; Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy công bố Quyết định thành lập Đảng bộ các xã mới, Chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư và các Phó Bí thư. Các xã khắc dấu của đơn vị hành chính mới; kiện toàn bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của đơn vị hành chính cấp xã mới…