Chiều 25/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Báo cáo về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều. Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét.
Để tránh chồng chéo, xung đột, bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan xác định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là cần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội về nhà ở đối với người dân, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự thảo luật chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật khác đang được sửa đổi cùng với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì chuyển sang dự thảo Luật đó điều chỉnh; trường hợp cần sửa luật có liên quan thì sửa đổi đồng bộ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quy định cụ thể trong Luật những nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao; những nội dung chưa đủ chín hoặc có thay đổi theo sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội thì giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ cũng như sự ổn định của Luật.
Bên cạnh đó, dự thảo luật tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương gắn với cơ chế tự chịu trách nhiệm; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở; thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở. Thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Chính sách phát triển nhà ở của ta phải phù hợp, đáp ứng được Hiến pháp quy định, đó là mọi người dân mong muốn có chỗ ở, nơi ở là điều chính đáng. Còn có sở hữu được nhà ở không lại là việc khác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ở Điều 4 của dự thảo Luật cần đưa nội hàm chính sách chỗ ở, nơi ở, nhà ở là điều mọi người dân mong muốn.
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Chương V), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi chung cư; nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để tránh trùng lặp, rút ngắn thời gian, tăng cường thu hút đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH để bổ sung một mục (Mục 4 Chương V) gồm các điều 71, 72 và 73 quy định cụ thể về việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; cưỡng chế di dời và phá dỡ nhà chung cư và tại các điều khoản cụ thể khác của Chương V về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Về đề nghị nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Thường trực Ủy ban Pháp luật xin tiếp thu ý kiến ĐBQH và thể hiện nội dung này tại Điều 63 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần dự liệu phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khả thi hơn trong giai đoạn nhiều năm tới khi các nhà chung cư hiện đại, mới xây dựng trong thời gian gần đây đều đã khai thác tối đa hệ số cao tầng, sau này khi cải tạo, xây dựng lại thì không thể nâng chiều cao thêm nữa và dự án sẽ không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nếu phải thực hiện cơ chế bồi thường với hệ số K như hiện nay.
Thường trực Ủy ban Pháp luật xin tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý các điều , 69 và 70 của dự thảo Luật theo hướng: đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ; đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà sau này thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư, nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 90 và Điều 92), vấn đề này trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến như sau:
Nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình vì giúp giải quyết được nhiều vướng mắc trong trình tự, thủ tục đầu tư, tạo sự thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo phương án này thì phải bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, giao Chính phủ quy định quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp mà cần giao địa phương bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc cả trong và ngoài khu công nghiệp.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Chương trình phát triển nhà ở đã kế thừa kế hoạch phát triển nhà ở, thực hiện theo Luật Nhà ở 2014, các địa phương đang triển khai. Đây là công cụ giúp cho quản lý nhà nước ở cấp trung ương; chương trình không phát sinh thủ tục với người dân.
Về việc đồng bộ với các Luật khác Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Về Luật Đất đai, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với các bộ và đưa ra 4 nhóm vấn đề liên quan đến 8 nội dung, Ban soạn thảo dự án Luật đã thống nhất thời gian tới tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý.
Liên quan đến nhà lưu trú, Thứ trưởng Nguyễn văn Sinh cho rằng nội dung này gắn với Nghị quyết 06; trong thiết kế Luật đã đề cập đến nhà ở xã hội bán, cho thuê và nhà lưu trú. Các chủ đầu tư, cơ quan nhà máy, đầu tư nhà lưu trú chỉ để cho công nhân ở, để giải quyết vấn đề trước mắt là thiếu chỗ ở cho người lao động.
“Có ý kiến công nhân cho rằng, trước đây khi đất nước còn nghèo mà Nhà nước còn có nhà ở cho công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Nay đất nước đã phát triển mà không có chỗ ở cho người lao động. Đây là một nghịch lý”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói khi tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi tại phiên họp…
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất: Cần thành lập tổ công tác trong việc soạn thảo sửa đổi Luật Nhà ở có sự tham gia của một số Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan là thành viên tổ soạn thảo để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc sửa đổi Luật Nhà ở.