Quan điểm, tư tưởng về nêu gương của Người là chỉ dẫn, là động lực tinh thần to lớn, là giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng mà phải bằng hành động, việc làm.
Người đặc biệt quan tâm đến “hành động”, do đó, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên phải làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ðây là nguyên tắc trước hết, có vai trò rất quan trọng của việc nêu gương, nếu không sẽ làm mất uy tín cá nhân cũng như của cơ quan, địa phương mình trước quần chúng. Chỉ có thống nhất giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mới xây dựng được sự tin yêu của nhân dân, đây là yêu cầu rất quan trọng trong lãnh đạo.
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khoá XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khoá XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.
Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với những nội dung toàn diện và sâu sắc hơn. Điều này là sự tiếp nối các chủ trương của Đảng, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta là làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi lan tỏa, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Đặc biệt, ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) đã có Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà đây chính là 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh của Đảng xác định, Hiến pháp cũng xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng 5 phương thức là: Bằng cương lĩnh, chủ trương, định hướng lớn; Bằng công tác vận động, giáo dục, thuyết phục tuyên truyền; Bằng phương pháp tổ chức cán bộ; Bằng công tác kiểm tra giám sát; và bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Việc ban hành Quy định số 08-QĐi/TW là một sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với chính mình, và đây cũng chính là sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với toàn Đảng, toàn dân. Bởi vì, Quy định này được công bố cho tất cả các tổ chức đảng, trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng, tất cả nhân dân, cán bộ, đảng viên đều nắm được và có trách nhiệm theo dõi, giám sát.
Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp theo Quy định 08 đó là linh hồn, hạt nhân của Đảng. Nếu hạt nhân bị tổn thương, phá vỡ, không còn nguyên vẹn thì không sử dụng được nữa. “Tôi nói ngắn gọn, gia có gia phong, nước có quốc pháp, đảng có đảng cương. Gia phong, quốc pháp, đảng cương mà lỏng lẻo thì không nói chuyện gì đến gia đình tốt, đến đất nước yên ổn, đảng hùng mạnh cả. Cho nên những vấn đề xung quanh thể chế là một trong nhưng phương sách căn bản để thực thi nêu gương của cán bộ, đảng viên”, nhà báo Nhị Lê khẳng định.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nếu một đảng viên thường thì tầm ảnh hưởng chỉ dừng ở số ít noi theo. Cũng là đảng viên nhưng giữ chức vụ cao thì tầm ảnh hưởng lớn hơn. Cán bộ cấp cao làm việc tốt, có sức lan tỏa lớn và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Trái lại, cán bộ cấp cao không tốt, thì tác động tiêu cực, giảm uy tín của tổ chức đảng. Ban Chấp hành Trung ương là linh hồn của Đảng, còn Bộ Chính trị, Ban Bí thư là linh hồn của Ban Chấp hành Trung ương. Đối chiếu với chính tấm gương của Bác - luôn là người đầu tiên làm tốt và qua đó có những tác động mạnh mẽ.
Lấy dẫn chứng về cuộc phát động “Hũ gạo tiết kiệm”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho biết: “Bác Hồ là người chủ động thực hiện nghiêm túc và trước tiên. Bác đã dặn Văn phòng nếu đúng lịch nhịn ăn mà phải tiếp khách quốc tế thì cho phép Bác nhịn vào ngày hôm sau”. Đây là câu chuyện rất cảm động. Bởi thế, nếu cán bộ cấp cao gương mẫu thì sẽ tạo động lực lớn và ngược lại.
Xuyên suốt lịch sử cách mạng về các tấm gương nêu gương từ khi có Đảng đến nay, giai đoạn nào cũng có, thời đại nào cũng có, từ chiến sỹ Cộng sản trong lao tù, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trong thời kỳ chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới… Không kể hết được những tấm gương đó, đặc biệt của cán bộ cấp cao đã có tác động lôi cuốn quần chúng, tập hợp nhân dân, tạo nên sức mạnh của Đảng ta.
Vừa qua, một số cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý nghiêm và thích đáng đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Nhìn chung, nêu gương phải trở thành tự giác, thường xuyên, có nề nếp hàng ngày; đồng thời phải luôn xác định phải làm tốt những việc mình làm để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.
Phải khẳng định là vai trò của cán bộ cấp cao có tác động đến cả nước thậm chí cả quốc tế, do đó, hơn lúc nào hết phải đặc biệt đề cao nêu gương. Thực hiện chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đánh giá về kết quả đã đạt được, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.
Qua đó, góp phần xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.