Cán bộ phải đi đầu, làm gương trong phòng, chống dịch bệnh

Trong khi các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm "chiến đấu" với dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, thì đâu đó vẫn xuất hiện những cán bộ thản nhiên vi phạm quy định phòng, chống dịch chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại khu nhà trọ cho công nhân thuộc tổ dân phố Thần Nữ, phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Điều đó không chỉ thể hiện sự coi thường kỷ cương, phép nước mà còn bộc lộ sự ích kỷ cá nhân, vô trách nhiệm trước những khó khăn chung của cả đất nước…

Giữ vững kỷ cương, không có vùng cấm

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 13 nghìn cán bộ, y, bác sỹ đi vào các địa phương tâm dịch để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Có biết bao tấm gương xung kích, tình nguyện lên đường vào tâm dịch. Hình ảnh người mẹ để lại con thơ còn đang độ bú mớm; người con gạt nỗi băn khoăn, nhờ người thân chăm sóc cha mẹ già hay những chàng trai, cô gái sẵn sàng gác lại hạnh phúc cá nhân để viết đơn xung phong đến các điểm nóng dịch bệnh... đã làm lay động biết bao trái tim. Dẫu biết trước chuyến đi này ẩn chứa đầy hiểm nguy, nhưng những "chiến sỹ áo trắng" đã "ra trận" với một tâm thế rất đỗi an nhiên và vô cùng trách nhiệm. 

Ngược lại với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống lại "giặc dịch", một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn cố tình có những hành vi gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đó là câu chuyện đáng lên án về 4 vị Chủ tịch UBND các xã ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị Công an bắt quả tang khi đang tụ tập đánh bạc, vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Các vị "quan xã" này đã nhanh chóng bị cơ quan cấp trên xử phạt và cách chức!

Trong khi cả địa phương đang căng mình chống dịch, Giám đốc Sở Du lịch và Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định đã thản nhiên đi chơi golf. Hành vi này chỉ bị lộ khi nữ nhân viên phục vụ trong thời gian đó đã bị mắc COVID-19 (F0). Hành vi của các cán bộ này thể hiện thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm, khiến xã hội bất bình. Cơ quan chức năng đã có quyết định đình chỉ công tác đối với hai cán bộ này.

Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết: "Thời điểm đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, nhưng cán bộ lại bất chấp quy định phòng, chống dịch, đi chơi là không thể chấp nhận được... Chúng tôi kiên quyết không xuê xoa, né tránh với bất kỳ biểu hiện vi phạm nào làm cản trở nỗ lực chung trong quá trình thực hiện hai mục tiêu ưu tiên: Phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội”.

Thực tế trên cho thấy, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn hiện hữu, len lỏi trong hệ thống chính trị, lâu dần trở thành một thói quen khó bỏ. Rất nhiều địa phương trên cả nước đang nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa tiếp xúc. Vậy mà những cán bộ kia lại coi như chuyện bình thường, tìm cách tụ tập để ăn chơi, sát phạt nhau... Dư luận đặt câu hỏi, liệu đây có phải lần đầu họ vi phạm và còn bao nhiêu trường hợp như vậy mà chưa bị phát hiện. 

Bình luận về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, họ đa phần đều là đảng viên, có chức vụ cao, được đào tạo bài bản và có nhận thức rất tốt về pháp luật. Lẽ ra, họ phải cống hiến tâm sức phục vụ cho Đảng, Nhà nước, làm gương cho nhân dân nhưng lại vi phạm các quy định phòng, chống dịch là điều không thể chấp nhận được. Nhiều người bày tỏ băn khoăn, nếu những cán bộ này trở thành F0, gây lây lan dịch bệnh cho mọi người, sự nguy hiểm không biết sẽ đi xa đến đâu?  Vì vậy cần xử phạt nặng theo các quy định của pháp luật, không có vùng cấm. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” hiện nay, đáng lẽ cán bộ đứng đầu một Sở phải phát huy trách nhiệm, tập trung lo cho dân nhưng lại làm điều phản cảm, bất chấp quy tắc mà cả xã hội đang tuân thủ. Mặc dù đây là trường hợp đơn lẻ, “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cần lên án, xem xét trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm vi phạm, để tình trạng này không còn tái diễn trong xã hội. 

Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, cần phải có sự chung tay, góp sức của toàn dân theo tiêu chí: Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải là một pháo đài, nhất là ở cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, trong đó, yếu tố quyết định để đi đến chiến thắng dịch COVID-19 chính là lòng dân. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, để có được lòng dân, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng. Điều đó cũng có thể hiểu nơi nào còn có những cán bộ lơ là chống dịch, không giữ chắc phòng tuyến, không thực hiện nghiêm các chỉ thị về giãn cách, người lãnh đạo đứng đầu nơi đó có lỗi với dân, không hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Đảng, Nhà nước. 

Cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu

Phát biểu tại các hội nghị, cuộc họp quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu, làm gương cho nhân dân trong mọi việc giữ thanh liêm, liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất.

Theo thông tin của Bộ Y tế ngày 19/8, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ ca nhiễm vẫn đang ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch là vô cùng quan trọng. Bên cạnh giải pháp vaccine hay ý thức của người dân, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng được coi là yếu tố quyết định với vai trò là người đứng đầu.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy tặng quà các cán bô, chiến sỹ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở nút giao Vực Vòng, thị xã Duy Tiên. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Thông điệp của người đứng đầu của Đảng được nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp với mong muốn cán bộ, đảng viên đã nỗ lực rồi sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tu dưỡng, rèn luyện mình. Cán bộ dù giữ chức vụ to hay nhỏ, dù ở Trung ương hay cơ sở, trước hết phải là người trung thực, chân chính, như thế mới thay mặt Đảng để làm công việc quản trị quốc gia, quản trị xã hội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đã là gốc thì phải tốt, phải khỏe mới có thể nâng đỡ, giúp cho cây phát triển tươi tốt, vững chắc. Lời dạy của Bác một lần nữa đề cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở vì đây là lực lượng gần dân nhất. 

Trong những ngày này, ngoài lực lượng tuyến đầu như y, bác sĩ, công an, quân đội, thì những cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ phòng, chống dịch ở các trạm, chốt cũng rất vất vả, nguy hiểm. Họ luôn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao khi làm việc trong điều kiện khó khăn, áp lực…Trong hoàn cảnh đó, những cán bộ xã, hay lãnh đạo cấp sở, ngành lẽ ra phải cùng chung tay với lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, vận động người dân tham gia chống dịch hiệu quả thì có những người lại cố tình "chui" qua quy định chống dịch để thỏa mãn thú vui của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân. Người cán bộ phải nỗ lực hơn nữa để tu dưỡng, rèn luyện mình, làm sao để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ra khỏi hệ thống chính trị.

Đỗ Bình (TTXVN)
Thêm ba tỉnh cử cán bộ y tế hỗ trợ Đồng Nai phòng, chống dịch COVID-19
Thêm ba tỉnh cử cán bộ y tế hỗ trợ Đồng Nai phòng, chống dịch COVID-19

Sáng 20/8, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Hà Nam tiếp tục cử 100 cán bộ y tế lên đường hỗ trợ tỉnh Đồng Nai phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN