Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, tỉnh đã có nhiều nỗ lực và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế. Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại...
Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kết luận 53-KL/TW chưa được hoàn thành, nhất là trong những năm gần đây, phát triển của Khánh Hòa không có những tăng trưởng đột phá so với nhiều tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Điều đó cho thấy Khánh Hòa cần có những đột phá mạnh mẽ, vừa để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vừa phấn đấu để không chỉ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững mà phải trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Mục đích của Hội thảo nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ Đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi, làm sâu sắc hơn về những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan (nhận thức, cơ chế, chính sách, nguồn lực hay tổ chức thực hiện); phân tích, làm rõ vai trò, vị trí của Khánh Hòa trong vùng và cả nước; tiềm năng, lợi thế của tỉnh, từ đó đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm phát huy ở mức cao nhất những tiềm năng, lợi thế này cho phát triển kinh tế - xã hội.
Các ý kiến cũng phân tích và làm rõ bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những cơ hội, thách thức đặt ra đối với Khánh Hòa trong giai đoạn tới như: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; biến đổi khí hậu; các vấn đề an ninh phi truyền thống; Biển Đông...; từ đó đề xuất các giải pháp đột phá nhằm phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nói chung và một số vùng, ngành, lĩnh vực nói riêng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, để tỉnh Khánh Hòa phát triển bền vững kinh tế biển, bên cạnh việc cụ thể hóa các bài học kinh nghiệm quốc tế, chủ trương, giải pháp lớn của Đảng và Chính phủ, việc quy hoạch, khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển một cách hiệu quả, gắn với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo Việt Nam vừa là nhiệm vụ vừa là những nhóm giải pháp cần chú ý trong thời gian tới. Đặc biệt, cần chú trọng sử dụng hợp lý vùng ven biển, các đảo và các thủy vực ven bờ (đầm, vũng, vịnh) phù hợp với bản chất tự nhiên và thế mạnh của từng loại hình. Phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển không chỉ vì chiến lược phát triển riêng của Khánh Hòa mà còn tạo động lực phát triển, thúc đẩy liên kết vùng cũng như vì lợi ích toàn cục của quốc gia.
Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Lương Công Nhớ, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam chỉ rõ, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của kinh tế Khánh Hòa, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Khánh Hòa trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực là thách thức, nhưng cũng là yêu cầu tự thân của Khánh Hòa trong không gian phát triển và vị trí địa lý được ưu đãi.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI. Để hoàn thiện Báo cáo tổng kết và Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngoài việc thảo luận về các Dự thảo Báo cáo theo Chương trình Hội nghị đã đề ra, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận và đi đến thống nhất về quan điểm, mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định những trụ cột chính để xây dựng và phát triển Khánh Hòa, từ đó có những ưu tiên, sắp xếp thứ tự trong phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển... từ đó xác định những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài nhằm thích ứng, đảm bảo phát triển bền vững.
Các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí với dự thảo: Báo cáo Đề án, Tờ trình Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, các đại biểu thống nhất cao để Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo động lực cho địa phương, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc an ninh của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.