Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV Quốc hội sẽxem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét, thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Với việc giám sát chuyên đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung sau: Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016. Chuyên đề này giao Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát.
Chuyên đề thứ hai là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Chuyên đề này giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát.
Chuyên đề thứ ba là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) (giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát).
Chuyên đề thứ tư là việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chuyên đề này sẽ giao Uỷ ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Nhất trí về cơ bản với các chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, tuy nhiên theo nhiều đại biểu, cần thiết đưa chuyên đề giám sát về ô nhiễm môi trường vào kế hoạch giám sát của Quốc hội trong năm 2017. Đây là vấn đề đang được rất nhiều cử tri quan tâm, nhất là sau những sự cố về môi trường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, trong đó có sự cố nghiêm trọng Formosa.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh),vài năm trở lại đây, vấn đề môi trường hết sức bức xúc. Bản thân ông, mấy tháng qua cũng “ăn không ngon ngủ không yên”. Riêng sự số về môi trường của Formosa, đã có nhiều người dân gặp đại biểu Nghĩa để đề nghị vấn đề này. “Nhưng tôi đọc 4 chuyên đề giám sát không thấy cụm từ môi trường đâu. Vì vậy tôi đề nghị cần bổ sung chuyên đề về chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có giám sát môi trường. Khi có chuyên đề này thì sẽ xác định được giám sát ở đâu. Nếu điều chỉnh kịp thời sẽ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri”, đại biểu Nghĩa nói.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị cần có giám sát chuyên đề về phê duyệt, cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài có liên quan đến vấn đề môi trường, trong đó trọng điểm là Formosa.
Đề xuất cần có chuyên đề giám sát về môi trường cũng là ý kiến của các đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh), Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). “Cần thiết có chuyên đề giám sát về ô nhiễm môi trường, vì qua tổng hợp có 30 đoàn đều đề nghị về vấn đề này”, đại biểu Lê Xuân Thân khẳng định.