Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, cùng đại diện các bộ, ban, ngành và các địa phương và doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh, du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tây Bắc là vùng có tiềm năng phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định vùng trung du miền núi Bắc Bộ, trong đó bao gồm 14 tỉnh thuộc địa bàn quản lý của Ban chỉ đạo Tây Bắc, là một trong 7 cùng du lịch ở Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định, liên kết trong kinh doanh là xu thế tất yếu, nhất là với kinh doanh du lịch. Trong những năm gần đây, vùng Tây Bắc đã xuất hiện một số mô hình liên kết phát triển du lịch, điển hình là mô hình liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, mô hình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc, mô hình du lịch về cội nguồn… Nhiều tỉnh trong vùng Tây Bắc cũng đã thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác nội vùng và với các tỉnh trong và ngoài nước. Các hình thức liên kết giữa khu vực nhà nước với tư nhân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các hiệp hội ngành nghề với nhau cùng phát triển đa dạng, góp phần phát triển du lịch Tây Bắc.
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc”. |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà kết quả đạt được trong liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng và thế mạnh của địa phương.
Trong đó, sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn các tỉnh, giữa các cơ quan ban ngành địa phương có liên quan còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ, hoạt động hợp tác phát triển du lịch nói chung, và việc liên kết trong quảng bá xúc tiến du lịch nói riêng, nhìn chung vẫn mang tính tự phát, nặng về hình thức, còn manh mún, dàn trải, thiếu sự liên kết phối hợp đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Còn thiếu các mô hình liên kết theo chiều dọc và chiều ngang, cũng như liên kết theo không gian lãnh thổ và liên kết ngành chưa chú trọng liên kết doanh nghiệp. Chưa tạo thành chuỗi liên kết, sản phẩm di lịch trong các vùng có sự trùng lắp cao, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng, thiếu các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, tiểu vùng, sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Từ thực tế nêu trên, đồng chí Nguyễn Văn Bình chỉ đạo, để phát triển ngành du lịch Tây Bắc bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, cần có các cơ chế chính sách đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến, liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc trong thời gian tới; xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch mới đặc trưng của vùng Tây Bắc, cũng như các tiểu vùng thuộc Tây Bắc; kết nối được tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm sẵn có của các tỉnh trong vùng với nhau để hình thành các sản phẩm du lịch có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và hội nhập quốc tế sâu rộng, là những sản phẩm mới, mang bản sắc, thương hiệu riêng, đặc trưng của vùng Tây Bắc; thúc đẩy quảng bá xúc tiến, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của vùng Tây Bắc, các cơ chế hợp tác liên kết bảo đảm hiệu quả và phát triển du lịch bền vững…
Đại diện các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã ký cam kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành về phát triển du lịch vùng và xây dựng sản phẩm du lịch dọc theo tuyến hành lang sông Hồng, sông Lô, sông Đà. |
Theo Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch, Tây Bắc là vùng có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, là nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc sắc và mang tính đặc thù cao. So với các vùng miền khác trên cả nước, Tây Bắc là vùng có sự khác biệt lớn về khí hậu, địa hình, cảnh quan cũng như bản sắc văn hóa, tạo ra những giá trị trải nghiệm hấp dẫn, hình thành sản phẩm du lịch. Đây cũng chính là những lợi thế cạnh tranh quan trọng của vùng Tây Bắc trong cả nước cũng như tạo sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Phát triển du lịch là định hướng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh Tây Bắc, là lĩnh vực mà vùng có thế mạnh nổi trội, mang tính đặc thù. Phát triển du lịch không những thúc đẩy phát triển hạ tầng, cải thiện đời sống cộng đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch với những cách làm đặc thù, phù hợp với điều kiện và năng lực của người dân miền núi cao Tây Bắc sẽ là hướng đi tích cực, giúp phát triển vùng Tây Bắc một cách bền vững.
Thực tế Tây Bắc vẫn là địa bàn phát triển muộn hơn, đồng thời cũng là vùng có nhiều khó khăn nhất so với các vùng khác trên cả nước, nên số lượng khách du lịch đến vùng còn hạn chế. Tuy vậy, những năm qua, du lịch các tỉnh tây Bắc cũng đã có những bước chuyển biến rõ ràng. Đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, được nhìn nhận rõ rệt ở những địa bàn có hoạt động du lịch phát triển.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình trao tặng bằng khen cho các doanh nghiệp lữ hành có thành tích xuất sắc trong đầu tư liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc. |
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, với hạn chế về điều kiện hạ tầng, địa hình đồi núi gập ghềnh, nhiều đèo dốc hiểm trở, thường xuyên có lũ quét, sạt lở đất làm cho đầu tư tốn kém; hệ thống giao thông chưa đồng bộ, việc đi lại, di chuyển dòng khách du lịch giữa các địa phương, giữa các điểm du lịch vẫn còn vất vả và mất nhiều thời gian… Hoạt động du lịch còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, thiếu đồng bộ, sản phẩm du lịch đơn sơ, rời rạc, chưa hấp dẫn, chưa có thương hiệu, chưa thu hút được thị trường khách cao cấp lưu trú dài ngày; dịch vụ du lịch, ăn uống, giải trí còn thiếu thốn và thấp cấp, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn dịch vụ, lực lượng nhân lực du lịch thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả kinh doanh du lịch còn thiếu khiêm tốn.
Lãnh đạo các tỉnh trong vùng cũng cho rằng, để thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, cần triển khai thực hiện các giải pháp then chốt để thực sự thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc. Trong đó, đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho vùng Tây Bắc, hợp lực trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển liên kết hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc, phát triển chuỗi cung ứng các dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm liên kết, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Cũng tại Hội nghị, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã ký cam kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành về phát triển du lịch vùng và xây dựng sản phẩm du lịch dọc theo tuyến hành lang sông Hồng, sông Lô, sông Đà, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của liên kết trong phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Tây Bắc. Ban chỉ đạo Tây Bắc cũng trao tặng bằng khen cho một số doanh nghiệp du lịch lữ hành có thành tích xuất sắc trong đầu tư liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc.