Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ trướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2022. Đó là thành tích toàn diện của toàn ngành, rất ấn tượng với các hoạt động cụ thể ở nhiều quy mô để triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Từ hội nghị này mà ngành triển khai được nhiều hoạt động thì nhận thức thực sự về văn hóa trong xã hội, trong Đảng đã bước lên một tầng nấc mới…
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắng nêu những vấn đề lớn mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thực hiện trong năm 2023. Đó là cần tiếp tục “lấy công làm lãi”, chịu khó, tỉ mỉ, kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, như phù sa bồi đắp hàng ngày, thế hệ nọ qua thế hệ kia để ra sản phẩm hiệu quả cho văn hóa. Xu thế mới, tinh thần mới theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải mạnh mẽ, sáng tạo nên ngành văn hóa cũng phải mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Làm theo kiểu cũ cũng tốt nhưng có những việc nếu không đổi mới cách làm, không bao giờ làm được. Đặc biệt, ngành văn hóa đã bắt đầu tiến hành công cuộc chuyển đổi số, giờ cần làm mạnh mẽ hơn nữa, nhanh chóng hơn nữa.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương phải tích cực chuẩn bị các điều kiện để đầu tư các công trình văn hóa lớn mang tầm vóc của một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ. Một khi đã đầu tư cần phải đúng trọng tâm, trọng điểm để có công trình để đời chứ không làm tạm bợ để 20 năm phải phá đi làm lại…
Mặt khác, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục và làm mạnh hơn việc phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể trong các hoạt động chung của đất nước, các phong trào lớn để hình thành văn hóa trách nhiệm với cộng đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề cập đến việc phải quan tâm hơn nữa đến giới văn nghệ sỹ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, văn hóa, phải có phương án hiệu quả để đặt hàng sáng tác, đặt hàng đào tạo và phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, làm cho tốt. Bởi văn nghệ sỹ chỉ một số ít nổi tiếng, là người được công chúng biết đến thì đời sống khá hơn còn đa phần cuộc sống khó khăn, lương thấp, không có thu nhập thêm… Việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy với các ngành nghệ thuật cũng cần phải xem xét tỉ mỉ bởi mỗi ngành đều có những đặc trưng riêng, không thể sáp nhập cơ học…
Về du lịch, Phó Thủ tướng nêu rõ, nước ta đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc phát triển du lịch cần khai thác tổng lực trong đó dựa vào văn hóa, con người như là điều kiện tự nhiên, nguồn lực để phát triển. Do đó, phải có các giải pháp đột phá, chính sách tốt và sự ủng hộ của các bộ, ngành chứ nếu chỉ “bình bình” thì không thể phát triển được...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Có thể khẳng định rằng năm 2022, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả tích cực. Chưa bao giờ, những kết quả của ngành được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện như thời điểm này...
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các loại dịch bệnh; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của toàn ngành là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã đề ra.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2022, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".
Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4... Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn...
Du lịch mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm); tổng thu từ du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng.