Cần giải bài toán về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi

Nước ta với điều kiện tự nhiên đa dạng được đánh giá là rất thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên vì nhiều lý do ngành chăn nuôi của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh xung quanh dự thảo Luật Chăn nuôi và các giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Theo ông ngành chăn nuôi của Việt Nam đang có những thuận lợi, khó khăn gì?

Nói về thuận lợi, trước hết phải nói là ngành chăn nuôi của Việt Nam có truyền thống; thứ 2 những vật nuôi của Việt Nam đa dạng đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thứ 3 là điều kiện tự nhiên của chúng ta với nhiều vùng miền khí hậu khác nhau nên rất thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển.

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo đối với ngành chăn nuôi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Đây là những cơ sở cho ngành chăn nuôi phát triển.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng có những khó khăn nhất định. Lâu nay cơ sở pháp lý điều chỉnh ngành chăn nuôi mới dừng lại ở pháp lệnh, do đó việc quy định quản lý ngành này chưa được chặt chẽ. Lần này Quốc hội bàn để ban hành Luật Chăn nuôi là hết sức cần thiết, mặc dù tôi cho rằng thời điểm này mới bàn đến là hơi muộn.

Thứ 2, trong dự thảo Luật Chăn nuôi, đối tượng tác động và phạm vi điều chỉnh cơ bản đã bao quát hết được những nội dung cần phải điều chỉnh của ngành chăn nuôi. Ví dụ như quản lý về giống, về thức ăn chăn nuôi, cơ chế chính sách… đặc biệt là đã có những quy định về những điều cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, dự thảo Luật Chăn nuôi cũng đã có quy định về giải pháp huy động các thành phần, nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển ngành chăn nuôi.

Tôi tin tưởng rằng sau khi luật này được ban hành sẽ có những điều chỉnh để ngành chăn nuôi của chúng ta phát triển đúng hướng, đặc biệt là phải khắc phục được những tồn tại lâu nay, ví dụ như sản phẩm chăn nuôi không đáp ứng được những quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm (vượt tiêu chuẩn về kháng sinh..).

Về quản lý thức ăn chăn nuôi, tôi cho rằng đây cũng là vấn đề nhức nhối lâu nay, gần như cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng có ý kiến về chất lượng thức ăn chăn nuôi. Lần này dự thảo Luật đã có những quy định chặt chẽ về vấn đề này. Thứ 3, những ảnh hưởng của ngành chăn nuôi đối với môi trường cũng đã được dự thảo Luật Chăn nuôi đưa vào, ví dụ như nếu chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực dân cư, chăn nuôi quy mô trang trại… cũng đã có những quy định chặt chẽ về vấn đề vệ sinh môi trường…

Tuy nhiên, dự thảo Luật Chăn nuôi mới được thảo luận lần đầu, tôi tin tưởng rằng qua thảo luận lần này các đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều ý kiến đóng góp cho ban soạn thảo. Tôi hy vọng khi Luật Chăn nuôi được ban hành sẽ đáp ứng được việc quản lý cũng như khuyến khích ngành chăn nuôi của chúng ta phát triển trong thời gian tới.

Thời gian vừa qua giá thực phẩm ví dụ thịt lợn đã có lúc xuống rất thấp gây khó khăn cho người nuôi, theo ông cần có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

Có 3 việc cần phải xem xét, thứ nhất là thực hiện tốt quy hoạch ngành chăn nuôi với quy mô phù hợp. Thứ hai, cần xây dựng dự báo nhu cầu sản phẩm của chăn nuôi và thứ ba là mở rộng thị trường.

Chúng ta phải xác định Việt Nam với hơn 90 triệu dân là thị trường rất rộng lớn cần tập trung khai thác. Tuy nhiên để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi thì ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng cùng phải xác định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ví dụ, năm ngoái thị trường thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn do chúng ta không xuất được theo chính ngạch, điều này cũng góp phần làm giảm giá thị lợn trong nước rất sâu, gây tổn thất kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi.

Tóm lại, để có đầu ra ổn định cho ngành chăn nuôi thì cần phải làm tốt quy hoạch, dự báo chính xác và tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu.


Vậy theo ông để đẩy mạnh xuất khẩu thì cần có những giải pháp nào?

Để sản phẩm chăn nuôi có thể xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… thì sản phẩm chăn nuôi phải được sản xuất ở quy mô trang trại. Tiếp theo cần phải xác định mặt hàng nào có thể xuất khẩu và có thế mạnh. Vấn đề này theo tôi Nhà nước phải làm để khuyến cáo với bà con. Vấn đề tiếp theo là phải thực hiện quy hoạch quy mô nuôi và thu hút hút các nguồn lực, trong đó có nguồn lực nhà nước hỗ trợ.

Điều quan trọng nhất là cần tăng cường quản lý nhà nước để đảm bảo chăn nuôi đúng với quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng các điều kiện để có thể xuất khẩu. Đó là 3 yếu tố tôi cho rằng rất cần thiết. Ngoài ra, Nhà nước phải làm tốt chức năng tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường ở nước ngoài.

Nếu việc này mà để người dân, doanh nghiệp loay hoay làm thì rất khó. Có thể nói về khâu tìm kiếm thị trường lâu nay chúng ta rất hạn chế. Người dân lúng túng, mò mẫm, nếu không làm tốt vấn đề này thì không thể đưa sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, về nguồn vốn, tôi cho rằng Nhà nước phải lo một số khâu  trong quy trình phát triển của ngành chăn nuôi. Đặc biệt phải có chính sách về tín dụng để khuyến khích người dân tham gia phát triển ngành chăn nuôi. Ví dụ như ưu đãi về lãi suất vay, chính sách về đất đai để giải quyết chăn nuôi tập trung cho người dân cùng với quy hoạch, tiêu chuẩn như thức ăn, giống vật nuôi…

Xin cám ơn ông!

Quang Toàn (Thực hiện)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Tạo cơ sở pháp lý tổ chức bộ máy công an đồng bộ
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Tạo cơ sở pháp lý tổ chức bộ máy công an đồng bộ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN