Dự án Luật Việc làm (sửa đổi):

Cần nghiên cứu sâu các chính sách hỗ trợ người lao động

Ngày 1/4, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. 

Đây là dịp để lãnh đạo Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên cơ sở, đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, góp ý nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đặt mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Góp ý tại Hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Việt Nam (thành phố Thủ Đức) đề nghị dự án luật cần bám sát thực tiễn ở cơ sở để làm rõ hơn nhiều nội dung điều, khoản thi hành. Hiện còn nhiều cụm từ gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm; cần rõ ràng, cụ thể hơn, nhất là tại Chương VII liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. 

Bên cạnh đó, dự án luật nên đánh giá tính "chủ động, bị động" thất nghiệp để cân nhắc việc cho người lao động lĩnh bảo hiểm thất nghiệp hay không; cần công bằng, cụ thể hơn đối với người đủ điều kiện và để người lao động tự quyết định mức được hưởng lương hưu hay bảo hiểm thất nghiệp. Theo bà Hồng Yến, mục đích đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là căn cứ để người sử dụng lao động tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và trả tiền lương, tiền công cho người lao động. Tuy nhiên, quy định tại khoản 3 Điều dự án luật chưa thật sự phù hợp bởi người sử dụng lao động hiện nay cần được trả theo năng lực để thu hút nhân tài…

Đối với Chương III về đăng ký lao động, bà Phạm Thị Hồng Yến đề nghị tạo điều kiện cho người lao động tự theo dõi quá trình tham gia các bảo hiểm của họ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đồng hành, tham gia hỗ trợ người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, không nên giới hạn thời gian của các chính sách hỗ trợ việc làm mà để sinh viên tự quyết định cân đối giữa việc học và việc làm. Trường hợp sinh viên tham gia thị trường lao động, áp dụng Bộ luật Lao động, Luật Việc làm giữa hai bên và mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Theo ông Trần Anh Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hitachi Zosen Việt Nam (Quận 1), dự án luật đã tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp - công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Tuy nhiên, ông Kiệt cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có nhiều bất cập cần sớm được giải quyết nhằm bảo đảm quyền được tham gia bảo hiểm thất nghiệp và những chính sách đi kèm của loại hình bảo hiểm này để đoàn viên, người lao động có "điểm tựa" vững chắc trong cuộc sống.

“Theo quy định hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết những người có quan hệ lao động; chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, ông Kiệt chia sẻ.

Ông Đặng Minh Sự, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo luật cần sửa đổi trên nền tảng Bộ luật Lao động năm 2019, nghiên cứu Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Hình sự để từ đó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình xây dựng chính sách. "Cần nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng, chuẩn mực, đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong việc hướng tới xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề…", ông Đặng Minh Sự nói.

Một số ý kiến cũng đề nghị giữa nguyên việc hưởng trợ cấp thất nghiệp như trước; điều chỉnh lại một số điều khoản để thu hút người lao động; nên có khoản hỗ trợ người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại...

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Luật Việc làm sửa đổi hướng tới 4 nhóm chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Luật Việc làm sửa đổi hướng tới 4 nhóm chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN