Doanh nghiệp đang thực sự khó khăn
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá, qua các báo cáo cho thấy một bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội nước ta thời gian qua có đủ các gam màu sáng, tối, nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận, nhưng cũng còn không ít băn khoăn, lo lắng. Có thể thấy những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn, vất vả của đất nước ta. Những kết quả đạt được cho thấy sự đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hỗ trợ không nhỏ của Quốc hội, sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp, và đặc biệt đó là khả năng chèo lái, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành trước muôn vàn khó khăn.
Đại biểu dẫn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đưa ra nhận định “nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn”.
Về vĩ mô, GDP quý I là 3,32%, với mức thấp như vậy, để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm, đại biểu cho rằng phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao mới đạt được mục tiêu (mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%). Cần tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách chủ động, kịp thời; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.
Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh: "Cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Ta luôn xác định hệ thống doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển, nhưng từ các số liệu cho thấy hệ thống doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn".
Đại biểu cũng nêu lên 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là: Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu dẫn những thống kê cho thấy, doanh nghiệp đang "khát" về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn. Nếu có tiếp cận được, rất khó để giải ngân do vướng mắc về thủ tục, điều kiện vay vốn.
"Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp" - đại biểu nhấn mạnh. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “Doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, nhà quản lý cần chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó...
Nhấn mạnh cần xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế để không gây ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đại biểu cho rằng, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu, không phải nội dung gì cũng phải để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết gỡ khó.
"Thực tế, việc người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng mua xăng, xếp hàng đăng kiểm xe ô tô, loay hoay với các quy định về phòng cháy, chữa cháy,... cho thấy khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành chưa cao, chưa quyết liệt" - đại biểu nhấn mạnh.
Tháo gỡ các rào cản về phòng cháy, chữa cháy
Nêu ý kiến về vấn đề phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.
"Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Đến nay, những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại đang gây ra nhiều rào cản, khó khăn khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường phòng cháy, chữa cháy. Trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu cho rằng, cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ, để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí.