Cần "thước đo" thực hiện Chương trình nghị sự 2030

Ngày 8/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ 25-27/9/2015 tại New York, Hoa Kỳ, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được các nước thành viên Liên hợp quốc đưa ra. Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương tổ chức để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm tới với 17 mục tiêu phát triển bền vững, 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu, các hành động triển khai thực hiện. Các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 là sự tiếp nối của Các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trong giai đoạn 2000-2015, cụ thể hóa của Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững cho cả thế kỷ 21 được Liên hợp quốc thông qua vào năm 1992.

Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững (Agenda 21) thông qua việc ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam và Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và những thành tựu nổi bật trong thực hiện MDGs, đã tạo ra những thay đổi to lớn cho người dân.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu như: kinh tế phục hồi chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tác động biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng sẽ là tác động không nhỏ tới những thành quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong 15 năm tới. Để thực hiện có hiệu quả chương trình nghị sự 2030 như đã cam kết với cộng đồng quốc tế, việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam và xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu này là việt cần thiết.

Việc xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát các chiến lược, chính sách hiện hành quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành/lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có so sánh, đối chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Thời gian qua, quá trình xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững và dự thảo Kế hoạch hành động có sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác. Kết quả rà soát các chính sách, mục tiêu phát triển bền vững cho thấy 17 mục tiêu chung của toàn cầu hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vì vậy, 17 mục tiêu cơ bản đã được giữ nguyên, trừ một số mục tiêu có sự điều chỉnh nhỏ để phù hợp với ưu tiên và điều kiện phát triển của Việt Nam. Trên cơ sở 17 mục tiêu phát triển bền vững, 169 mục tiêu cụ thể toàn cầu, dự thảo Kế hoạch hành động đề xuất 17 mục tiêu chung, 115 mục tiêu cụ thể cho Việt Nam đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng cần nâng cao nhận thức, hành động của toàn xã hội về phát triển bền vững; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường, huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp triển khai thực hiện các mục tiêu để bảo đảm tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu.


Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Về việc cam kết thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030, Phó Thủ tướng cho rằng đây là chương trình hành động trong thời gian dài, vì vậy cần có "thước đo'' để thực hiện đầy đủ.

Phát triển bền vững liên quan đến tất cả mọi lĩnh vực, có nhiều định nghĩa về bền vững, tuy nhiên, phát triển bền vững cuối cùng là vì con người, bảo đảm nhu cầu của con người trong tương lai. Kế hoạch hành động thực hiện chương trình nghị sự phải bảo đảm công khai, kỷ luật, kỷ cương, chống tham nhũng - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Phó Thủ tướng, Hội đồng cần đóng vai trò trung tâm trong xây dựng kế hoạch hành động thực thi Chương trình nghị sự 2030. Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tư vấn Chính phủ về phát triển bền vững, vì vậy, cần kiện toàn Hội đồng theo tinh thần đổi mới, để hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.../.

Phúc Hằng (TTXVN)
Hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh
Hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngày 19/7, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã họp phiên thứ nhất. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN