Những ngày này, tại nhiều “điểm nóng” về dịch COVID-19, các y, bác sĩ, những chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng bảo vệ dân phố, các tình nguyện viên,… đều căng mình, nỗ lực với quyết tâm cao, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Người dân các địa phương, cùng với việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã có nhiều việc làm thiết thực, chia sẻ, động viên những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Thế nhưng, thật đáng buồn là đã xảy ra một số vụ việc chống đối, tấn công lại lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch, gây bức xúc trong dư luận, cần phải lên án.
Mới đây, đêm 5/8, tại huyện Bàu Bàng (Bình Dương) xảy ra vụ việc hai trường hợp mắc COVID-19 đã lôi kéo, kích động một số người khác đập phá khu nhà ở của nhân viên y tế và dùng dao uy hiếp, bắt nhân viên y tế tại khu cách ly thực hiện yêu cầu vô lý của mình.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng Huỳnh Minh Chín: Khu cách ly y tế ở huyện Bàu Bàng đang theo dõi, điều trị các ca COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong khoảng 10 ngày nay, một nhóm bệnh nhân có biểu hiện quậy phá, không tuân thủ quy định cách ly và đỉnh điểm là vào đêm 5/8, các đối tượng đã dùng dao uy hiếp, bắt nhân viên y tế thực hiện theo yêu cầu vô lý của họ.
Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, vào tối 2/8, Tổ tuần tra liên phường của Quận 6 đang trên đường làm nhiệm vụ đã phát hiện đối tượng Hứa Hán Võ (ngụ Phường 6, Quận 6, TP Hồ Chí Minh) ra đường khi không cần thiết theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ và Chỉ thị số 12 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tổ tuần tra tiến hành kiểm tra giấy tờ, phát hiện nghi vấn đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nên đã yêu cầu đối tượng về trụ sở Công an Phường 11 để giải quyết. Trên đường di chuyển về trụ sở Công an phường, đối tượng này đã không chấp hành mệnh lệnh vào Công an phường mà bất ngờ phóng xe bỏ chạy khiến các thành viên Tổ tuần tra phải truy đuổi.
Trong quá trình truy đuổi, xe của Đại úy Phan Tấn Tài, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Quận 6 - thành viên tổ tuần tra đã bị mất lái, lao lên vỉa hè, va đập vào tường nhà dân và hy sinh sau đó. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Hứa Hán Võ để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Còn tại An Giang, vào ngày 3/8, Tổ tuần tra kiểm soát cụm số 4, huyện Phú Tân, đang tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên tuyến tỉnh lộ 951 đã phát hiện ông Nguyễn Phú Cường (50 tuổi, ngụ Tổ 8, ấp Hòa Hưng 1) điều khiển xe gắn máy chạy hướng xã Hòa Lạc qua xã Phú Hiệp nên đã yêu cầu ông Cường dừng phương tiện. Sau khi dừng phương tiện, làm việc với tổ tuần tra ông Cường trình bày, do ở nhà buồn nên đến nhà của em chơi. Tổ tuần tra tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm về hành vi ra đường khi không thật sự cần thiết theo Chỉ thị 16. Vậy mà lúc đó, vợ của ông Cường là bà Nguyễn Thị Tuyền đã đi đến và dùng lời lẽ thô tục phản ứng lại tổ tuần tra. Mặc dù được lực lượng chức năng giải thích nhưng bà Tuyền vẫn tiếp tục có những lời lẽ thiếu lịch sự. Khi Tổ tuần tra yêu cầu bà Tuyền về trụ sở Công an xã làm việc thì bà Tuyền đã xông đến đánh một công an viên.
Là người mắc COVID-19 vừa được ra viện về cách ly tại nhà sau khi được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, trước đó từng đi cách ly tập trung tại Khu cách ly trường Mầm non Cát Đằng (quận Bình Tân), chị Nguyễn Võ Diễm Thúy (ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Khi nghe tin mình là F0 chị đã rất lo lắng, thậm chí hoang mang khi trước đó luôn nhận được các thông tin về tình trạng quá tải ở các khu cách ly và điều trị. Tuy nhiên, khi trực tiếp vào ở khu cách ly tập trung, sau đó là được điều trị tại bệnh viện dã chiến, chị đã chứng kiến cảnh các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên vất vả suốt ngày đêm. Lượng công việc quá nhiều do người đến cách ly, điều trị rất đông; họ luôn tận tình giải thích những quy định cần chấp hành như không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia trong khu cách ly… Mọi người đều hiểu quy định là cần thiết để bảo đảm việc điều trị cũng như trật tự an ninh, vệ sinh khu cách ly, tuyệt đối không ai có hành vi chống đối hay tỏ vẻ khó chịu vì những quy định đó là để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người.
Chị Thái Thị Thanh Loan ở phường 5, quận Phú Nhuận, người từng đi cách ly tập trung vào đầu đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư cho biết: Ở khu cách ly là trường học, do việc chuyển đổi công năng gấp gáp, những ngày đầu mới vào, hệ thống điện, nước còn chưa hoàn chỉnh, trời nóng bức, nhưng nhìn những nhân viên y tế, các tình nguyện viên trong những bộ áo quần bảo hộ nóng bức vẫn phải làm việc khẩn trương, tôi thấy những khó khăn, bất tiện của mỗi cá nhân không thể bằng những khó khăn mà lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch đang phải đối mặt. Chúng tôi rất trân trọng và cảm phục tinh thần làm việc của đội ngũ y tế, các tình nguyện viên tại các khu cách ly.
Trước thông tin về vụ việc hai trường hợp mắc COVID-19 đã lôi kéo, kích động một số những người khác uy hiếp nhân viên y tế tại khu cách ly thực hiện theo yêu cầu vô lý của mình, một số người từng là bệnh nhân COVID-19 phải đi điều trị tập trung hoặc là F1 đã đi cách ly tập trung đều có chung suy nghĩ: Tuân thủ các biện pháp mà các cơ quan chức năng đề ra là rất cần thiết để phòng, chống dịch. Vì lúc đầu, khi nhận được tin và phải đi cách ly hay điều trị tập trung, rất dễ rơi vào tâm trạng hoang mang, lo lắng, bức bối. Nhưng sau khi được sự hỗ trợ, giải đáp của các cán bộ y tế, được tiếp cận các thông tin đầy đủ hơn, chủ động tạo tâm lý lạc quan, có ý thức chấp hành nghiêm các quy định theo hướng dẫn tại khu cách ly, điều trị, từ đó sẽ yên tâm, bình tĩnh vượt qua được các khó khăn tại khu cách ly và khu điều trị. Vì vậy, mỗi người để phòng bệnh, cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức về dịch bệnh, tâm lý, sức khỏe, cũng như về pháp luật, để có thể góp phần phòng, chống dịch một cách hiệu quả, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Có thể nói, việc xem thường pháp luật, thiếu ý thức tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng, không tôn trọng chính những người đang ngày đêm dốc sức điều trị hay làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho chính mình, đã dẫn đến những hành vi cần lên án như đã nêu ở trên.
Những hành vi như vậy cần phải ngăn chặn kịp thời để bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu quả trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và cũng chính là để những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch vững tâm, bền chí “tiếp tục thể hiện ý chí chân cứng đá mềm, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái để phục vụ đồng bào. Chúng ta có niềm tin, sự kiên trì, bền bỉ với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Chiến thắng đại dịch COVID-19” (trích thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 1/8 gửi lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19).