Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dược (sửa đổi). Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giảnNội dung về chứng chỉ hành nghề dược thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận sáng nay. Thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược hiện vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau, đó là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ.
Tại phiên thảo luận sáng nay, đa số ý kiến phát biểu tán thành với phương án trong dự thảo luật là cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần và nhấn mạnh đây chính là sự thể hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Đánh giá các quan điểm cải cách hành chính đã được tiếp thu rất nhiều trong dự thảo luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) ủng hộ quan điểm cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị trên trên toàn quốc, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh hồ sơ bổ sung cập nhật kiến thức là rất cần thiết đối với dược sỹ cũng như những người được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được yêu cầu khi làm lầm giấy chứng nhận Thực hành tốt nhà thuốc có giá trị 3 năm, đồng thời phải tăng cường "hậu" kiểm, thanh tra để phát hiện xử lý nghiêm vi phạm.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) phân tích "học đại học xong 5 năm mới nhận được danh hiệu dược sỹ, học đại học 6 năm mới nhận được danh hiệu bác sỹ sau đó phải có thời gian hành nghề từ 18 tháng đến 2 năm trở lên thì mới nhận được chứng chỉ hành nghề, như vậy trải qua giai đoạn từ 7-8 năm để tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm nên việc quy định cấp chứng chỉ 5 năm là không phù hợp". Đồng thời đại biểu đặt vấn đề nên là "thi chứng chỉ hành nghề hay cấp chứng chỉ hành nghề". Theo đại biểu Minh Phương, hiện nay Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cho các ngành đào tạo, các trường đại học đa ngành hay trường đại học ngoài công lập đua nhau đào tạo y dược, Bộ Y tế không kiểm soát được hết chất lượng trong quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra. Đại biểu đề xuất cần thi chứng chỉ hành nghề không chỉ riêng ngành dược mà rất cần thiết cho ngành y. "Dù tốt nghiệp ở bất cứ trường nào nhưng nếu đạt được ngưỡng điểm cao thì sẽ được hành nghề tuyến tỉnh, trung ương, điểm thấp hơn thì chỉ được hành nghề ở tuyến huyện và nếu có nhu cầu thì người hành nghề sẽ tiếp tục thi chứng chỉ hành nghề để lên tuyến cao hơn"- đại biểu Minh Phương nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN |
Nhấn mạnh việc đang thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng việc quy định thời gian 5 năm cấp lại chứng chỉ hành nghề mới là không phù hợp, sẽ tạo ra thủ tục rườm rà, tiêu cực, gây khó khăn cho người xin cấp lại chứng chỉ hành nghề dược nên chỉ cần quy định cấp một lần. Nếu kiểm tra, thanh tra phát hiện vi phạm, người hành nghề dược không cập nhật kiến thức chuyên môn theo quy định thì tùy theo mức độ có thể thu hồi chứng chỉ hành nghề - đại biểu đề xuất.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), dù chứng chỉ hành nghề dược được cấp một lần, nhưng các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm tra, giám sát đầy đủ và thường xuyên qua việc cấp mới, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Vì dự thảo Luật đã quy định trong Hồ sơ đề nghị cấp mới, gia hạn, cấp lại hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phải có bản sao Chứng chỉ hành nghề dược theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, qua việc cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (thời hạn tối đa 5 năm) hoặc gia hạn, điều chỉnh, các cơ quan cấp phép có thể giám sát được Chứng chỉ hành nghề dược có đúng theo quy định của pháp luật hay không, nếu không thì sẽ tiến hành thu hồi.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề dược. Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách, việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần gắn với biện pháp hậu kiểm (quy định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược đối với “người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp” tại khoản 11 Điều 31) và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.
Khuyến khích để người kinh doanh tự quyết định phục vụ 24 giờĐại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, qui định trong dự thảo luật nhà thuốc bán từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau theo phân công của Giám đốc Sở Y tế là không hợp lý, "phân công như thế nào, người dân khi cần làm sao biết quầy thuốc nhà thuốc nào được phân công?". Theo đại biểu luật chỉ nên đưa ra chính sách khuyến khích để người kinh doanh tự quyết định phục vụ 24 giờ hay không, và chỉ thu thêm 1 khoản phí nhỏ đủ để chi phí cho dược sỹ phục vụ ban đêm. Với vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, luật qui định tối thiểu bố trí nhà thuốc phục vụ 24 giờ thì nhà nước có chính sách hỗ trợ, do Bộ Y tế qui định.
Đánh giá hiện nay, việc kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu của Bộ Y tế, Hải quan bị hạn chế do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất. Với dược liệu đã qua sản xuất thì việc kiểm tra chất lượng còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung thêm hành vi cấm nhập khẩu dược liệu đã qua chế xuất, trường hợp Việt Nam không có nguồn dược liệu thay thế thì Chính phủ có thể cho phép nhập khẩu. Đại biểu cũng đề nghị những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 cần bổ sung qui định cấm kinh doanh thuốc cứu chữa bệnh nhân không được bảo quản đúng qui định. Trường hợp cần đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai địch họa, yêu cầu đặc biệt mà số lượng thuốc còn hạn sử dụng không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong khi thuốc vừa hết hạn sử dụng có thể đảm bảo nhu cầu tối thiểu thì luật có thể qui định cơ quan, cá nhân nào cho phép sử dụng thuốc vừa hết hạn sử dụng, phải nói rõ số lượng là bao nhiêu, sử dụng trong bao lâu và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Cho ý kiến vào Điều 83: Quảng cáo thuốc, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cân nhắc việc quảng cáo thuốc thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và theo các quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan. Hiện nay cả nước ta có hơn 40.000 điểm bán lẻ, 137 nhà máy sản xuất thuốc, trên 130 cơ sở đăng ký hộ kinh doanh sản xuất thuốc dược liệu, 100 doanh nghiệp nhập khẩu, 7 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo quản thuốc, 7 doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc GPP và hơn 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc. Như vậy, với yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng nâng cao và thông tin phát triển mạnh mẽ, thì số lượng thuốc cần quảng cáo cũng ngày càng tăng. Nếu quy định chỉ Bộ Y tế có quyền xác nhận nội dung quảng cáo thuốc, đại biểu lo ngại "không xuể" và cũng chưa chú trọng vào vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét phân cấp để các Sở Y tế cùng tham gia xác nhận nội dung quảng cáo thuốc thì sẽ tốt hơn và kịp thời hơn.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến cụ thể vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật dược lâm sàng; chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược...
Theo chương trình, chiều nay, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).