Trong những ngày tháng Năm lịch sử, khi người dân cả nước hướng về ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5), tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có dịp gặp Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng - nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân, người có vinh dự được chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều năm, lưu giữ lại cho thế hệ mai sau những hình ảnh độc đáo, rất đời thường, dung dị và đầy “chất văn” về vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Những khoảnh khắc còn mãi
“Đại tướng và con cháu vào nhà thờ họ Võ. Ông đã chọn thời điểm "an toàn" nhất, thế mà bà con lối xóm biết, họ đã đến. Chỉ trong chốc lát, người già, trẻ nhỏ đã vây quanh ông. Đại tướng phải "phá vây" bằng cách đi qua cửa nhỏ phía sau. Mọi người được một bữa cười lý thú”. Đó là dòng chú thích cặn kẽ của Trần Hồng về một bức ảnh rất đời thường, rất dân dã của vị tướng huyền thoại – Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông có dịp về thăm quê hương, thăm nhà thờ Tổ tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình năm 2004.
“Tối đó, ở khách sạn, dùng bữa xong, cụ về phòng nhưng không nghỉ ngơi mà lấy sổ và bút ra cặm cụi ghi nhật ký ngay, trong khi miệng thì vẫn ngậm chiếc tăm tre. Tôi phải nằm bò xuống sàn mà nhẹ nhàng chụp suốt 10 phút. Khi màng chập của máy rung lên lần thứ 8, cụ mới giật mình ngẩng lên và "nạt": "Thế này mà cậu cũng chụp được à?". "Hay bây giờ anh đóng bộ vào để em chụp lại?". "Thế thì còn nói làm gì"… Mãi sau này, khi tôi đưa cho Đại tướng xem ảnh, ông hỏi: Ờ, cậu chụp tớ bao giờ nhỉ?”. Câu chuyện kể của Đại tá Trần Hồng bên cạnh bức ảnh hiếm hoi chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mặc thường phục, đang bận ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ.
“Bức ảnh này tôi chụp từ lâu lắm, tháng 10/1994. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh hai quả trứng cứ lăn qua lăn lại. "Em ăn đi! Cứ gắp cho anh nhiều thế!". Người chụp bức ảnh này chỉ nghe được trọn vẹn giọng nói thương yêu, trìu mến, nhanh tay bấm được bức ảnh rồi mắt chớp chớp lệ nhòa” - dòng chú thích của Trần Hồng về bức ảnh ông chụp bữa cơm của Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà trong ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, khiến người xem cũng lệ nhòa theo…
Có thể nói, với hơn 2.000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà Đại tá Trần Hồng hiện đang lưu giữ, cũng là từng ấy câu chuyện được ông kể lại một cách nhẹ nhàng, nhưng lay động tâm can người xem. Bởi đó là những hình ảnh đời thường, dung dị về một vị tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam.
Bên cạnh những bức ảnh ông về thăm lại Điện Biên Phủ, những hình ảnh ông cặm cụi với công việc hay gặp gỡ đồng chí, đồng bào, gặp gỡ bạn bè năm châu… Đại tá Trần Hồng còn có rất nhiều bức ảnh độc, lạ và hiếm về cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh tài ba của dân tộc.
Đó là hình ảnh vị tướng tài ba tập thể dục, hình ảnh ông ngồi thiền buổi sáng, là khoảnh khắc ông vui vẻ khi xem lại ảnh của mình thời trẻ, là khi ông vui Tết Trung Thu cùng cháu nội, là giây phút hiếm hoi khi ông ngồi thư giãn đánh đàn piano cho người bạn đời của mình nghe, là những ngày ông nằm điều trị trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... Từ những bức ảnh đó, những câu chuyện kể đi kèm bức ảnh, những thế hệ sau này có dịp được hiểu biết sâu sắc hơn về Đại tướng huyền thoại giữa đời thường.
Khi xem những bức ảnh Đại tá Trần Hồng chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét: Mặc dù trước có rất nhiều người chụp ảnh Đại tướng, trong đó có những bức ảnh đặc sắc đạt đến độ nghệ thuật và là nghệ thuật đỉnh cao, nhưng những bậc tài danh rất đáng kính nể đó cũng không có được những bức ảnh như Trần Hồng. Bởi nhiều bức ảnh tuyệt vời về Đại tướng là những bức ảnh từ xa, ngắm Đại tướng từ xa. Còn Trần Hồng, ông lại nhìn gần. Nhiều khi không còn khoảng cách, như con ngắm cha, như cháu ngắm ông. Đó là cái nhìn của người thân trong một gia đình ấm cúng. Vì thế, Trần Hồng cho chúng ta nhiều bức ảnh có giá trị. Đặc biệt là giá trị tư liệu. Như bức ảnh ông chơi với cháu. Ông bà dùng bữa cơm đạm bạc, rồi ông chơi đàn, ông tập thiền.. những hình ảnh đó cho chúng ta hiểu được, Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng huyền thoại, ông còn là một người cha chu đáo, một người ông hiền từ, một nghệ sỹ phiêu lãng…
“Những bức ảnh của Trần Hồng giúp người xem được ngắm nhiều chân dung khác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – "chân dung văn". Đó là những câu chuyện đằng sau bức ảnh minh họa cho bức ảnh, nhưng rồi người đọc bị mê hoặc, không biết văn minh họa cho ảnh hay ảnh minh họa cho văn… Những bức ảnh của Trần Hồng đã cho chúng ta gần thêm, hiểu thêm về một con người mà chúng ta vô cùng yêu quý: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một vị tướng huyền thoại trong đời thường”, nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá.
Tự hào, hạnh phúc khi được chụp Đại tướng
Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành nhiếp ảnh trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). Ông trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân từ năm 1973. Cũng trong năm này, ông lần đầu tiên ông được tiếp cận và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà báo Trần Hồng tự nhận mình là người chụp ảnh không giỏi, chỉ trung bình. Ngay cả máy ảnh ông sử dụng, ông cũng bảo, nó chỉ thuộc loại “xoàng” chứ không “xịn” như của nhiều nhiếp ảnh gia khác… Nhưng khi được trò chuyện với ông, người đối diện rất dễ cảm nhận được ở ông về một con người hào sảng, đầy chất lính, nhưng lại có một say mê, đắm đuối đến kỳ lạ với nhiếp ảnh. Với ông, niềm hạnh phúc lớn lao chính là được giơ máy ảnh lên và bấm những khuôn hình…
Có lẽ vì say, vì mê ảnh như vậy, nên ông dành gần như toàn bộ diện tích của ngôi nhà nhỏ trên gác hai ở phố Đường Thành như một “bảo tàng thu nhỏ”, trưng bày và treo những tác phẩm ảnh của mình. Và, ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn nhất là những bức ảnh ông chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Đại tá Trần Hồng kể, rất nhiều người khi gặp ông đã đặt câu hỏi, vì cớ gì mà ông lại được may mắn chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều đến thế? Vì cớ gì ông lại được Đại tướng lựa chọn, cho phép ông có thể đến gặp và chụp ảnh Đại tướng bất cứ lúc nào… Rồi ông bảo, đó là một câu hỏi khó, không dễ trả lời, có lẽ đó là vì một cơ duyên nào đó chăng.
Có lần, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi ông: Trần Hồng ơi, sao cậu chụp ảnh tớ nhiều thế? Trần Hồng trả lời: Thế sao Đại tướng lại cho em chụp ảnh Đại tướng nhiều như vậy? “Lúc đó, khi nghe xong câu nói của tôi, Đại tướng chỉ cười, một nụ cười hiền, rất hiền, hiền đến nỗi tôi mãi chẳng bao giờ quên được”, Đại tá, nhà báo Trần Hồng nhớ lại.
Đại tá Trần Hồng chia sẻ, lần đầu tiên được chụp ảnh Đại tướng, ông đã vô cùng xúc động và tự hào, bởi mình có cơ hội được gặp, được chụp ảnh về vị Tướng tài ba của dân tộc, người mà ông luôn kính trọng, nể phục và biết ơn, bởi những gì Đại tướng đã làm cho đất nước, cho dân tộc. Sau này, khi ông có nhiều thời gian được tiếp xúc, được trò chuyện và được chụp ảnh Đại tướng nhiều hơn, thì tình yêu trong ông càng lớn dần lên theo năm tháng.
Trong con mắt của Đại tá Trần Hồng, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người hoàn hảo. Ông đủ phẩm cách mà người đời mong ước, kể cả kẻ thù của ông cũng phải nể trọng, kính phục, hướng tới và ca ngợi, tôn thờ vị tướng huyền thoại của Việt Nam.
Đại tá Trần Hồng kể, trong suốt những năm tháng chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có biết bao câu chuyện, biết bao kỷ niệm khiến ông ghi nhớ, khắc sâu. Nhưng có lẽ, ông nhớ nhất và ấn tượng nhất đó là vào một ngày tháng 10/1994, ông có một ngày trọn vẹn từ 5 giờ 30 sáng cho đến 9 giờ tối ông được đi theo và chụp ảnh Đại tướng trong cuộc sống đời thường tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Những bức ảnh Đại tướng tập thể dục, ngồi thiền, bữa cơm đạm bạc… được ông chụp vào ngày “lịch sử” đáng nhớ đó.
“Hôm đó, rất nhiều lần tay tôi run lên khi giơ máy lên chụp ảnh, cảm xúc trào dâng, nhiều lúc tôi không bình tĩnh được bởi tôi được tận mắt nhìn thấy một vị Đại tướng tài ba nhưng bình dị mà gần gũi đến lạ lùng trong cuộc sống đời thường”, nhà báo Trần Hồng nhớ lại.
Bên cạnh bộ ảnh đời thường, bộ ảnh “độc” của ông trong 1.559 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (từ năm 2009 cho đến năm 2013, khi Đại tướng mất) cũng để lại ấn tượng sâu sắc với ông. Suốt thời gian đó, Đại tá Trần Hồng thường xuyên vào thăm Đại tướng trong bệnh viện, mang cho Đại tướng xem những bức ảnh ông đã chụp…
“Chụp Đại tướng trong những ngày này rất khó, bởi khi đó sức khỏe cụ yếu, rất khó để chụp và khắc họa được hình ảnh một Đại tướng với phẩm chất cũng như trí tuệ đồ sộ của một con người tài ba lỗi lạc… nhưng đó lại là những bức ảnh bộc lộ khía cạnh rất đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - nhà báo Trần Hồng cho biết.
Nói về cảm xúc của mình khi được chụp ảnh về Đại tướng, nhà báo Trần Hồng bảo, may mắn nhất trong cuộc đời ông, ấy là được gần gũi Đại tướng. Ông chẳng cầu gì khác hơn ngoài việc được giữ cho mình những khoảnh khắc hiếm hoi bình dị của một nhân cách lớn lao, một con người đầy cá tính.
“Tôi muốn chia sẻ những khoảnh khắc ấy với bạn về một người Việt Nam, không chỉ bằng những tấm ảnh chân thật không một chút chỉnh sửa, còn bằng cả những câu chuyện ở mặt sau của chúng. Đối với tôi, gia tài là những tấm ảnh. Tôi nâng niu, trân quý chúng, cả những bức ảnh thực lẫn hình ảnh Đại tướng trong lòng tôi. Dù Đại tướng đã đi xa mãi mãi, nhưng hình ảnh Đại tướng vẫn luôn trong trái tim tôi, rạng rỡ, tươi cười và luôn là tượng đài tinh thần vững chắc…”, Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng xúc động nói.