Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết nền kinh tế nước này cần phải có động lực mới để phát triển. Theo ông, nếu không có những bước đi nhanh chóng trong một số lĩnh vực, khả năng cạnh tranh của Séc có nguy cơ giảm sút. Thủ tướng Fiala đặc biệt nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, năng lượng và cung cấp đủ lao động cho các công ty Séc.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Lao động Jurecka nhận định việc thiếu hụt lực lượng lao động sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng GDP của Séc. Theo ông, nếu nước này có thể lấp đầy 200.000 vị trí việc làm hiện đang thiếu lao động, ngân sách Séc sẽ hưởng lợi 40 tỷ CZK (gần 2 tỷ USD). Do đó, Bộ trưởng Jurecka hối thúc Chính phủ cần phải đưa lao động nước ngoài có trình độ đến Séc để cung cấp cho các công ty.
Ông Jurecka cho rằng CH Séc cần thu hút lao động từ các quốc gia “gần gũi” về văn hoá một cách hiệu quả, an toàn và nhanh chóng. Bên cạnh việc hợp tác truyền thống với các quốc gia ở Đông Âu, Bộ trưởng Lao động Séc đề xuất cần tăng cường hợp tác với các quốc gia khác như Việt Nam và Philippines trong lĩnh vực tuyển dụng lao động.
Đầu tháng 6 vừa qua, Chính phủ Séc có kế hoạch tăng hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài. Theo quy định được Chính phủ Séc điều chỉnh gần đây nhất hồi tháng 10/2022, có 4 đại sứ quán của Séc tại Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia) được cấp hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài. Số lượng giấy phép dành cho Đại sứ quán Séc tại Hà Nội là 200, nhưng theo chương trình “cán bộ khoa học chủ chốt”. Hạn ngạch nhiều nhất dành cho Đại sứ quán Séc tại Manila (Philippines) với 2.500 giấy phép, sau đó là Bangkok (Thái Lan) với 280 giấy phép và Jakarta (Indonesia) với 130 giấy phép.