Nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, nợ nần; không thu được tiền thuế đất; đời sống công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn... là những vấn đề mà Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trong phiên giải trình về quản lý và sử dụng đất đai nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 ngày 27/8.
Đất xấu thì giao cho UBND xã quản lý?
Ngay khi phiên giải trình bắt đầu, đại biểu Đỗ Văn Đương đã nêu một loạt các vấn đề với hai vị Bộ trưởng: Tại sao giao 2,1 triệu ha đất cho UBND cấp xã quản lý trong khi có nơi người dân đang thiếu đất sản xuất, cấp xã quản lý đất rừng có đúng pháp luật không, đồng bào dân tộc có thiếu đất sản xuất không? Trách nhiệm của các Bộ đến đâu?
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát giải trình tại phiên họp. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho biết, 2,1 triệu ha đất này không phải là đất của nông, lâm trường và thường xa dân. Bộ trưởng thừa nhận số đất này rất xấu, đã bị xói mòn, không giao được cho ai nên giao cho UBND xã quản lý; chứ không phải có đất mà không giao hoặc cứ giao đất là dân làm được. Còn tình trạng nhân dân thiếu đất thì Chính phủ đã có nhiều chương trình để giải quyết, nhưng đất này có giao cho dân cũng không phải đất nông nghiệp để làm có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang thừa nhận, thực tế sau 10 năm, việc giao đất kết quả đạt được rất thấp. Trách nhiệm thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường một phần, nhưng địa phương trực tiếp làm vì vậy cần làm rõ trách nhiệm của địa phương. Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề này đã tồn tại rất lâu, có rất nhiều nguyên nhân: đất đai không được đo đạc, hồ sơ đất đai chưa được lập; việc xác định ranh giới giữa các công ty lâm nghiệp chưa được rõ ràng... Bản thân các nông, lâm trường cũng không thể lo liệu được.
Thất thoát quỹ đất và tài sản
Là thành viên của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau chuyến đi tại một số tỉnh để giám sát việc các địa phương đã thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 28 -NQ/TW của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng thực trạng các nông, lâm trường hiện nay thật đáng buồn, nhiều vấn đề tồn tại cho đến nay vẫn chưa giải quyết được. Tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng, kể cả khi đã chuyển thành công ty 100% cổ phần. Giao đất, cho thuê đất nhưng chỉ giao sơ bộ, không có lô thửa, không có mét vuông nên không biết căn cứ vào đâu để tính tiền thuê đất và thực tế là không thu được tiền thuê đất. Nhiều doanh nghiệp xin miễn tiền cho thuê đất từ 2004 đến nay do không hạch toán hàng năm nên bây giờ không biết lấy tiền đâu để nộp. Hiệu quả kinh tế sau khi sắp xếp, chuyển đổi các nông, lâm trường không rõ nét, thậm chí còn phát sinh các loại nợ. Những dự án nhằm chuyển đổi nông, lâm trường thay vì để nâng cao hiệu quả hoạt động thì lại trở thành như một cách “hà hơi thổi ngạt” để các công ty nông, lâm trường này sống chứ không phát triển được.
“Công ty lâm nghiệp Mường La không sống được và nợ từ các dự án. Lâm trường Văn Chấn (Yên Bái) mấy năm nay sống lay lắt, 3 tháng nay chẳng có đồng nào để trả cho người lao động. Khi chúng tôi đến giám sát thì họ cảm ơn các đồng chí, pha ấm trà uống rồi về, vì chẳng có gì để mà nói. Như thế, thực hiện chuyển đổi không những không làm ăn hiệu quả, nâng cao quyền lợi cho người lao động mà tình trạng còn xấu đi”, đại biểu Sinh nói. Vì vậy, đại biểu Sinh nêu câu hỏi: Giải pháp nào để các nông lâm trường sau khi chuyển đổi hoạt động có hiệu quả?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, thực tế có nông, lâm trường mặc dù quản lý diện tích đất đai lớn, nhưng hoạt động vẫn khó khăn, như nông trường Văn Chấn có ít đất rừng, mà rừng lại là rừng nghèo. Để hoạt động có hiệu quả hơn, theo Bộ trưởng, nơi nào hoạt động không có hiệu quả thì tùy theo vị trí và đặc điểm mà xử lý, kể cả việc giải thể để giao đất cho các hộ gia đình hoặc các tổ chức khác sử dụng.
Nhất trí với nhận định của đại biểu Phùng Đức Tiến rằng hiện nay hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp thấp, trong khi có tới 7,5 triệu ha đất rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định Nghị quyết 28 mới chỉ là sắp xếp lại các nông, lâm trường, còn vẫn giữ nguyên cung cách quản lý như cũ, vì vậy cần phải phải thay đổi cơ chế quản lý. Việc thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp cũng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.
Sẽ hoàn thành đo đạc bản đồ năm 2016
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian qua quá chậm. Hiện ở Mộc Châu còn hàng nghìn sổ đỏ chưa được cấp phát cho những hộ dân đã ở từ trước khi có lâm trường. Tương tự ở Hòa Bình, có những người ở từ năm, sáu mươi năm nay trên mảnh đất ấy, sau đó đất được giao cho nông, lâm trường, đến nay cũng chưa được cấp.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TN&MT khi nào cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh trước và sau khi chuyển đổi. Vì hiện nay, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất nông trường chưa đạt 50%, với đất lâm trường chỉ đạt khoảng 25%.
Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện khi đất đã được đo đạc để lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới, cắm mốc. Thực tế, việc đo đạc hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, thiếu kinh phí để tiến hành. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cam kết sẽ hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong năm 2016 nếu có số tiền hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng. “Nếu có tiền sẽ làm được, nhưng địa phương phải quan tâm, nếu địa phương không quan tâm thì chúng tôi cũng chịu”, Bộ trưởng khẳng định.