Qua theo dõi phiên chất vấn, nhiều cử tri Hà Nội bày tỏ ấn tượng với cách điều hành khoa học của chủ tọa. Đặc biệt, nội dung câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội rất chất lượng, phản ánh đúng thực tế các vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong ngành Bảo hiểm, Hải quan... Song song với đó, cử tri Hà Nội cùng chung quan điểm cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn, trả lời có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn An Phước cho biết, thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên cả nước còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của khách vào bảo hiểm. Thậm chí, nhiều khách hàng đã là nạn nhân của bảo hiểm nhân thọ... Một số đơn thư khiếu kiện của khách hàng gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, nhưng việc thanh tra, xử lý các vi phạm liên quan vẫn chưa được xử dứt điểm.
Vì vậy, để kinh doanh bảo hiểm hoạt động minh bạch, phát triển bền vững, nhất là đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Bộ Tài chính, cùng với các bộ, ngành liên quan nên thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát các công ty, đơn vị kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cần siết lại quá trình đào tạo tư vấn viên, bắt buộc phải sát hạch cả trình độ và đạo đức nghề nghiệp, giúp thị trường bảo hiểm hoạt động minh bạch, hiệu quả.
Nêu ý kiến về việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng, Luật sư Vũ Văn Biên cho rằng, đây là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần siết chặt hoạt động thẩm định, cấp phép, cũng như làm rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan liên quan trong việc thẩm định, cấp phép, để tránh trường hợp cấp phép nhưng không hậu kiểm, dẫn đến hình thành các doanh nghiệp mạo danh chỉ đăng ký kinh doanh có cái tên giống nhau rồi thực hiện hành vi lừa đảo... gây mất trật tự an toàn xã hội.
Ông Đặng Minh Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần tiếp vận hàng hóa DMH nêu ý kiến, không khí chất vấn rất sôi động. Minh chứng là các đại biểu chất vấn rất trúng, rất thẳng thắn, ngắn gọn các vấn đề liên quan đến Bộ Tài chính. Đáng chú ý, buổi chất vấn nóng lên, khi nhiều đại biểu cùng quan tâm, đặt câu hỏi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời thẳng thắn, cụ thể, không vòng vo.
Tuy nhiên, ông Đặng Minh Hiếu bày tỏ băn khoăn, hiện nay, công tác kiểm hóa thủ công, kiểm hóa máy soi đang bị chồng chéo gây thiệt hại, làm tăng chi phí nâng hạ container cho doanh nghiệp. Khi tờ khai Hải quan được phân luồng Đỏ (kiểm hóa thủ công), doanh nghiệp vẫn phải kiểm hóa qua máy soi dẫn tới mất 2 lần chi phí nâng hạ container để phục vụ công tác kiểm hàng, do đó doanh nghiệp kiểm hóa thủ công thì không kiểm hóa qua máy soi.
Về công tác giám định tính đồng bộ tổ hợp máy, liên hợp máy, dây chuyền máy móc thiết bị ở dạng tháo rời phải theo Điều 7, Điều 8 Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015, doanh nghiệp mong muốn cơ quan Hải quan phân định rõ khi nào phải đi giám định. Vì trong quá trình thực hiện, một số máy móc thiết bị tháo rời linh kiện nhỏ, không đáng kể vẫn phải đi giám định gây tốn kém lãng phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, về thu lệ phí Hải quan, hiện nay đang áp dụng 20.000 đồng/tờ khai. Ngành Hải quan đã có văn bản không cưỡng chế thủ tục đối với doanh nghiệp chậm lệ phí, trên thực tế, cán bộ hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành nộp lệ phí trước khi tiếp nhận hồ sơ. Một số Chi cục Hải quan gửi công văn nợ lệ phí 40.000 đồng hoặc 60.000 đồng tới doanh nghiệp. Số tiền rất ít nhưng gửi công văn tới doanh nghiệp là không cần thiết, vì vậy cơ quan Hải quan nên khắc phục (1 năm thu lệ phí 1 lần…).
Ông Đặng Minh Hiếu cho biết thêm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp. Điển hình như thủ đoạn không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cử tri, doanh nghiệp mong muốn ngành Hải quan tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện đại, tăng cường kết nối ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát quản lý và quản lý nội bộ.
Cùng với đó, các cơ quan Hải quan tiếp tục cải cách chính sách, thủ tục, bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan, ngăn chặn và phòng ngừa gian lận thương mại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Quốc gia, an ninh kinh tế. Đồng thời, ngành Hải quan cần đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hỗ trợ thúc đẩy thương mại, góp phần đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước.