Trải qua lịch sử phát triển 95 năm, từ một chi bộ nhỏ bé ban đầu với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện Vũ Thư đã lớn mạnh với gần 10.000 đảng viên, đoàn kết, thống nhất xây dựng huyện Vũ Thư ngày càng phát triển.
Một trong 6 Chi bộ đầu tiên của Thái Bình
Những năm đầu thế kỷ XX, trước yêu cầu của phong trào cách mạng đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến tay sai, tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Tại Thái Bình, Tỉnh bộ Thanh niên được đổi thành Ban Tỉnh ủy, cử đồng chí Tống Văn Phổ, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo việc thành lập Chi bộ Đảng ở hai huyện Thư Trì và Vũ Tiên.
Trung tuần tháng 7/1929, tại nhà đồng chí Hoàng Kỳ (làng Hội Khê, xã Vũ Hội) đã diễn ra cuộc họp thành lập Chi bộ. Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Tống Văn Phổ, Chi bộ Thư Vũ được thành lập – Chi bộ đầu tiên của hai huyện Thư Trì và Vũ Tiên với ba đồng chí cốt cán là đồng chí Hoàng Kỳ (được chỉ định làm Bí thư Chi bộ); đồng chí Hồ Sỹ Kết (ở Thuận An); đồng chí Nguyễn Uy (tức Đội Uy ở Bình An). Tháng 9/1929, Chi bộ kết nạp thêm đồng chí Nguyễn Ngọc Cư (tức Trần Cung ở Hội Khê), đưa tổng số Đảng viên của Chi bộ lên 4 đồng chí. Chi bộ Thư Vũ là một trong 6 chi bộ Đảng đầu tiên ở Thái Bình, góp phần lãnh đạo các phong trào cách mạng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Năm 1946, cơ quan Huyện ủy Thư Trì và Vũ Tiên được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành của mỗi Đảng bộ, giúp tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ kháng chiến.
Bà Phạm Thị Mùi (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) năm nay 82 tuổi với 57 năm tuổi Đảng. Năm 1965, bà nguyên là Đội trưởng Đội Khoa học Kỹ thuật thuộc Hợp tác xã Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Thư Trì, nay là huyện Vũ Thư). Bà kể lại, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, muôn vàn khó khăn, gian khổ, song với sự cần cù, chịu khó và nhiều sáng kiến sản xuất, năm 1965 Hợp tác xã Tân Phong đã đạt năng suất lúa 6,7 tấn/ha, dẫn đầu các Hợp tác xã toàn miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen lần thứ nhất. Trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Tân Phong đã ra sức thi đua tăng năng suất lúa”.
Năm 1966, trên cơ sở hợp nhất các Hợp tác xã Tân Phong, Đại Đồng, Thống Nhất của xã Việt Hùng, Hợp tác xã Tân Phong mới đạt năng suất lúa 7,2 tấn/ha, được Bác Hồ gửi thư khen lần thứ hai. Hợp tác xã Tân Phong trở thành đơn vị tiêu biểu của cả nước, là niềm tự hào của nhân dân huyện Thư Trì xưa. Tháng 10/1966 năng suất lúa mùa bình quân của cả tỉnh Thái Bình cán mốc 5 tấn/ha, dẫn đầu sản xuất nông nghiệp của cả nước. Nhờ thành tích đặc biệt này, năm 1967, Thái Bình vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 5. Đêm đó, Bác nghỉ lại khu sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Thư Trì. Ngày 1/1/1967, Bác nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Thư Trì.
Lời động viên, căn dặn của Người khi về thăm Thái Bình là kim chỉ nam cho toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Năm 1969, theo Quyết định 93/CP của Chính phủ, huyện Vũ Thư được thành lập trên cơ sở sáp nhập 28 xã của huyện Thư Trì và 14 xã của huyện Vũ Tiên, Đảng bộ huyện Vũ Thư được kiện toàn, củng cố.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vũ Thư đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất cùng Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ.
Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng
Từ một Chi bộ nhỏ bé chỉ với 3 đảng viên, sau 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Vũ Thư hiện đã có gần 10.000 đảng viên sinh hoạt tại 48 tổ chức cơ sở Đảng, 432 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, 8 chi bộ trực thuộc Huyện ủy.
Đồng chí Đặng Văn Ang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Thư cho biết, với 77 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, ông luôn vinh dự và tự hào là một trong những lớp cán bộ, đảng viên của Đảng bộ huyện Vũ Thư phấn đấu và trưởng thành ngay trên quê hương. Những năm qua, Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế địa phương, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các khâu đột phá, huy động và tạo niềm tin mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân… Đây là những sức mạnh lớn tạo nên những bước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt trên 13.700 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 62 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến trong năm 2024 có 8 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Đây cũng là địa phương đứng thứ 2 toàn tỉnh về số sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Bí thư Huyện ủy Vũ Thư Nguyễn Quang Anh cho biết, phát huy truyền thống 95 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Chi bộ Thư Vũ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ huyện thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức và đạo đức. Đồng thời thực hiện chất lượng hiệu quả công tác chính trị tư tưởng; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và của huyện; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tạo sự bứt phá rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Vũ Thư thành huyện giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan, mạnh về quốc phòng an ninh.