Bảng đo chỉ số tia UV của trang thời tiết quốc tế Weather Online cho thấy chỉ số tia UV ở TP Hồ Chí Minh ngày 19/4 đạt đỉnh cực đại với chỉ số 12 và 3 ngày tiếp theo là 11 - mức báo động, có thể gây nguy hiểm cho da và mắt. Người dân ra đường trong thời gian này cần có những biện pháp bảo vệ phù hợp, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ.
Bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời, trong đó quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị phỏng, khô, xạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da.
Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), khi tia UV mức 8-10, thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút ngoài nắng. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ làm da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.
Các bác sĩ cho biết, chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn, có thể gây lão hóa da, ung thư da, khởi phát và làm nặng hơn những bệnh có liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm da cơ... Tia cực tím cũng gây tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Ngoài ra, ngay cả khi chỉ số tia UV không quá cao thì vẫn có khoảng 80% người đã bị lão hóa da trong khoảng 20 năm đầu đời do không được phòng chống tác hại của tia UV đúng cách.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Châu, chuyên khoa da liễu, tia UV gây tình trạng suy giảm miễn dịch của da khiến cho da mẫn cảm hơn, dễ bị dị ứng hơn khi tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng da như mỹ phẩm, đồ ăn, thời tiết thay đổi… Việc lặp đi lặp lại hoặc kéo dài việc chịu tác động của tia cực tím có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, khoa Ung bướu bệnh viện Thủ Đức, cho biết ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây ra các vấn đề cho mắt như cườm… Do đó khi ánh nắng quá gay rắt, người dân có thể tự bảo vệ bằng cách tránh ra đường vào lúc nắng gắt nhất, khoảng 10 - 16 giờ hàng ngày. Khi phải ra ngoài, dùng trang phục dài tay, dài chân để che chở cho da càng nhiều càng tốt, dùng nón che phủ đầu mặt. Tận dụng các bóng râm khi có thể. Dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (chỉ số ANSI trên bao bì).
Bên cạnh đó, khi ra đường, người dân cần dùng các sản phẩm chống nắng như kem, lotion dạng xịt… để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay… lưu ý phải thoa kỹ để che hết. Nếu chị em dùng kem chống nắng kết hợp với mỹ phẩm thì thoa kem chống nắng trước, trang đểm sau. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi cũng nên thoa lại. Trước khi mua bạn phải đọc kỹ xem sản phẩm có đúng là dùng để chống nắng hay không với chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên.
Bác sĩ Lê Đức Thọ, khoa Da liễu bệnh viện Quốc tế City, cho biết trẻ em rất cần được chú ý bảo vệ phòng chống tác hại của tia UV hơn người trưởng thành. Vì các nguy cơ do ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt sẽ được “cộng dồn”, tích lũy dần trong suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ em lại thường hiếu động và có thói quen đi ra ngoài nhiều hơn người lớn nên các bậc phụ huynh cần lưu ý bảo vệ trẻ bằng cách thoa kem chống nắng, cũng như tập thói quen cho trẻ mang kính râm, đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay che kín toàn thân... để hạn chế tích lũy lâu dài của các nguy cơ phơi nhiễm UV trong mùa nắng nóng.
Bác sĩ Châu cũng khuyến cáo: Bên cạnh sử dụng các biện pháp tránh nắng thì cần bổ sung các chất chống oxy hóa qua đường uống. Người có chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa và chất kháng viêm tự nhiên sẽ giúp bảo vệ da khỏi các tác hại gây ra bởi ánh nắng mặt trời. Trái cây và rau xanh có chứa một số loại vitamin có tính chống oxy hóa cho cơ thể nhưng không đủ để bảo vệ da một cách toàn diện. Vì vậy, có thể bổ sung các chất chống oxy hóa qua đường uống bằng những loại thuốc chống nắng toàn thân (viên dạng nén, nang hoặc sủi bọt).