Thực tế này dẫn tới một số công việc trì trệ, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, còn nhiều phàn nàn của người dân về thực hiện thủ tục hành chính…, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Trong bối cảnh ấy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố”, thể hiện quyết tâm chính trị cao của thành phố trong giải quyết một vấn đề cấp bách đang đặt ra.
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả công việc
Theo Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 24 nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại, với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc. Chỉ thị số 24 có thể coi là “thước đo” năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Chỉ thị số 24 có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố tập trung thực hiện. Trong đó có các nội dung: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. Về công tác cán bộ, yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của thành phố, mất đoàn kết nội bộ, tín nhiệm thấp, dư luận cán bộ, đảng viên và đơn thư phản ánh tiêu cực, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu…
Huyện Đông Anh là địa phương đầu tiên của thành phố tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24 tới cán bộ chủ chốt của huyện và các xã thị trấn, các cơ quan phối quản trên địa bàn; đồng thời xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị trên xong trong ngày 25/8.
Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho biết, việc nhanh chóng triển khai Chỉ thị số 24 giúp cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện thấy được tính chất quan trọng của việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thay đổi thích ứng với thực tiễn công việc trong tình hình mới.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh nhấn mạnh, Chỉ thị số 24 như “liều thuốc kháng sinh” trị các bệnh: đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ va chạm, xuôi chiều, "dĩ hòa vi quý" dẫn đến chất lượng công việc không cao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của huyện. Căn cứ theo Chỉ thị số 24, huyện sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu; không chủ động, thiếu sáng tạo, dẫn đến kém hiệu quả trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao cũng như chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, có biểu hiện vi phạm, kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm trong giải quyết công việc được giao.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh thông tin thêm, thực hiện Chỉ thị số 24 của Thành ủy, địa phương không triển khai một cách máy móc, cứng nhắc mà trên cơ sở tạo ra một “sân chơi” công bằng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Quan điểm chỉ đạo chung của huyện là xây dựng quy chế giải quyết công việc theo tinh thần 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả. Với “thước đo” chung như vậy, huyện sẽ chấm điểm, đánh giá chéo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo từng tháng để xóa việc “cào bằng” trong khen thưởng.
Lựa chọn nội dung, hình thức thực hiện phù hợp, tránh hình thức
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, với tinh thần trên, huyện yêu cầu mỗi lãnh đạo, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn phải xây dựng cho mình một chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24 theo quy chế hoạt động và chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cho biết về kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ, trên cơ sở gợi ý của Thành ủy về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc làm cơ sở để đối chiếu, kiểm điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế từ sớm, từ xa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc, UBND huyện yêu cầu các phòng ban, bộ phận chuyên môn trực thuộc khẩn trương xây dựng kế, hoạch thực hiện Chỉ thị. Tinh thần chung là nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công việc; kịp thời khen thưởng, bảo vệ cán bộ công chức, viên chức có sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. UBND huyện đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có nội dung 100% công việc của các phòng ban, UBND xã thị trấn trên địa bàn được giải quyết đúng hạn, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Chỉ thị số 24 được xây dựng kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, các yêu cầu nhiệm vụ của thành phố. Việc tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương có tính quyết định để Chỉ thị đi vào cuộc sống. Thành ủy Hà Nội yêu cầu, mỗi đồng chí trong cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phổ biến, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 24 phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên; thiết thực, tránh hình thức. Khi Chỉ thị số đi vào đời sống cũng thể hiện thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cũng thể hiện người cán bộ đảng viên có tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Thủ đô.