Để hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2020, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, về ý nghĩa của hoạt động này.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Quân đội nhân dân Việt Nam cử lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian qua?
Quyết định cử lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là một chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân đội, nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, hiện thực hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Điều này nhằm khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đảng và Nhà nước, Chính phủ ta đã có một chủ trương đúng thời điểm, đúng nội dung, mục tiêu, mục đích. 6 năm qua chúng ta đã chứng minh được sự đúng đắn đó.
Nguyên nhân của thành công thì có nhiều, nhưng cần nhắc đến nhất là phẩm chất của bộ đội Việt Nam. Phẩm chất ấy không chỉ có ở riêng người cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ GGHB mà nó là của quân đội Việt Nam. Trong môi trường đặc biệt như vậy đã tỏa sáng và mang lại niềm tự hào cho đất nước cũng như quân đội Việt Nam. Đặc biệt vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc quân đội tham gia lực lượng GGHB của LHQ với tỷ lệ phiếu tán thành 100% đại biểu có mặt, nó thể hiện người dân Việt Nam thấy rằng đây là hoạt động cần thiết và cần phải tiếp tục để giữ gìn đất nước bằng biện pháp hòa bình và đóng góp cho hòa bình của thế giới.
Thưa Thứ trưởng, Nghị quyết 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB của LHQ đã tạo hành lang pháp lý như thế nào cho Quân đội Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ?
Tôi cho rằng Nghị quyết của Quốc hội là hành lang pháp lý quan trọng. Thời gian tới chúng ta tiếp tục tiến hành xây dựng các văn bản có liên quan để thực thi Nghị quyết.
Điều đáng nói, khi Quốc hội đã có Nghị quyết rồi thì chất lượng hoạt động GGHB phải được tăng lên, thành tựu phải tốt hơn, hiệu quả phải thực chất hơn. Đây là một trọng trách mà lực lượng GGHB của Việt Nam phải nhận thức được để cố gắng. Đây cũng là trách nhiệm của những chiến sĩ Quân đội Việt Nam phải ra sức cố gắng để xứng đáng với những gì mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Quân đội tin tưởng giao phó
Từ tháng 6/2014 - 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB ở LHQ tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở LHQ, được LHQ đánh giá cao, dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ.
Năm 2020, có 3 sĩ quan của Cục GGHB Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của LHQ để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của LHQ ở New York (Hoa Kỳ); Sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ GGHB LHQ và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Cộng hòa Trung Phi.
Thưa Thứ trưởng, hình ảnh những chiến sĩ “mũ nồi xanh” tham gia GGHB ở LHQ không chỉ góp phần nâng cao vị thế của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” mà còn là những đại sứ gắn kết tình hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới. Thứ trưởng có mong đợi gì về lực lượng sắp tới của chúng ta tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ GGHB, tiếp tục nâng tầm vị thế của đất nước?
Lên đường làm nhiệm vụ GGHB ở LHQ, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ còn phải là một công dân Việt Nam ưu tú, hay nói cao hơn đó là một đại sứ của Đảng đối ngoại với bạn bè trong phái bộ LHQ cũng như là người dân nước sở tại. 6 năm vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ được cử đi GGHB ở LHQ đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy, như ý kiến của Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã nói: Việt Nam đang hướng LHQ tới cách tiếp cận mới trong việc GGHB, không chỉ là quản trị vấn đề hòa bình, hay chiến tranh ở một quốc gia mà cần phải quan tâm đến người dân, đem lại hiệu quả thực tế cho người dân. Đó mới là mục đích cao nhất.
Video: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn báo Tin tức:
Chính Việt Nam là nước đi đầu làm việc này, mặc dù chúng ta tham gia rất muộn nhưng chúng ta đã đi đầu với cách tiếp cận mới: GGHB, giúp đỡ nhân dân sở tại không phải chỉ quản trị hòa bình ở một quốc gia, mà chúng ta tham gia như một người bạn giúp đỡ nhân dân các nước đang gặp khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!